Dự án của tình người

25/04/2018 | 08:49 GMT+7

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai ở xã Phú An, huyện Châu Thành, đã gặt hái nhiều thành công. Qua đó, đóng góp chung vào tỷ lệ giảm nghèo ở huyện.

Kết quả phấn khởi

Năm 2017 là năm đáng nhớ với gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An, bởi sau nhiều năm gia đình đã thoát được nghèo. Ông Thọ bộc bạch: “Lúc trước, cuộc sống khó khăn quá, nhiều lúc tôi nghĩ sẽ chẳng thoát được cái nghèo, vì căn nhà dột nát không có tiền cất lại, rồi thu nhập cũng bấp bênh. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Thấy gia đình ông Thọ khó khăn nhưng chịu thương chịu khó, cố gắng làm ăn, nên xã, ấp đã tìm cách để hỗ trợ, tiếp thêm động lực để gia đình vươn lên. Năm vừa qua, gia đình ông vay 15 triệu đồng không tính lãi suất từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, với số tiền này ông đã mua vịt, gà về nuôi. Ngoài ra, còn đan lục bình tại nhà. Ông Thọ cho biết: “Vịt, gà mỗi thứ tôi nuôi vài chục con, cứ ba bốn tháng bán một lần, cũng được một, hai triệu đồng. Rồi hàng ngày tôi đi cắt lục bình về phơi khô, còn vợ tôi thì đan, mỗi ngày cũng được 50.000-60.000 đồng đủ tiền xoay xở đồ ăn thức uống hàng ngày. Mỗi thứ thu nhập một ít, vậy mà cuộc sống dễ thở hơn, thoát được cái nghèo”.

Gia đình ông Thọ, ở xã Phú An đã thoát được cảnh nghèo.

Không riêng gia đình ông Thọ, 19 hộ thoát nghèo trên địa bàn xã Phú An năm nay đều nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ chính quyền địa phương. Bà Võ Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết: “Thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo của xã giai đoạn 2017-2019, đã hỗ trợ nguồn vốn 200 triệu đồng cho 12 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo vay vốn, để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, vận động xã hội hóa xây dựng 6 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở… Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 5,34% xuống còn 3,44%”.

Trong năm 2017, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành luôn nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống người dân. Từ sự nỗ lực của các xã, thị trấn góp phần làm nên thành tích chung cho toàn huyện. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, nếu như đầu năm 2017, toàn huyện có 2.016 hộ nghèo, thì đến cuối năm giảm xuống chỉ còn 1.595 hộ nghèo, giảm 2,48%. Với kết quả đạt được, năm 2018, huyện Châu Thành đặt ra chỉ tiêu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng với đó là ý thức tự vươn lên của người dân.

Tiếp tục tạo điều kiện tốt cho hộ nghèo

Hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi 2 con nhỏ trong độ tuổi ăn học, để tạo điều kiện cho chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An, thoát được cảnh nghèo, địa phương đã cho gia đình vay 15 triệu đồng không tính lãi suất từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2017-2019. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ mẹ con chị căn nhà tình thương, để gia đình có mái ấm an cư. Hiện căn nhà đang được xây dựng. Chị Thúy bộc bạch: “Với sự chăm lo của chính quyền địa phương, tôi sẽ cố gắng thoát nghèo trong năm 2018”.

Hiện nay, chị Thúy làm gia công điện tử tại nhà, mỗi ngày cũng kiếm được 40.000-50.000 đồng. Theo chị Thúy, là hộ nghèo chị cũng mặc cảm với bà con lối xóm, bởi chị lo rằng mọi người nghĩ rằng mình còn trẻ nhưng lười biếng, không lo làm ăn, nên cái nghèo mới đeo bám. Với suy nghĩ ấy, chị luôn trăn trở để tìm cách nâng cao thu nhập cho gia đình. Song do thiếu vốn, nên cuộc sống cứ mãi bấp bênh. Nay được vay vốn, chị quyết tâm làm ăn, để cải thiện cuộc sống, đồng thời có điều kiện để lo cho hai người con ăn học đàng hoàng.

Cũng được vay vốn dành cho hộ nghèo, gia đình ông Dương Văn Minh, ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, đã đầu tư vào vườn cam, hiện cam đang cho trái. Ngoài làm vườn, ông Minh còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, còn vợ ông đi làm cỏ mướn, nạo chả cá thát lát. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, vợ ông Minh chia sẻ: “Còn sức lao động chúng tôi cố gắng làm ăn, mong muốn có được cuộc sống tốt hơn. Hy vọng vườn cam cho năng suất cao, để gia đình có thể thoát nghèo”. Gia đình ông Minh là 1 trong 5 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2018.

Ngoài tạo điều kiện giúp hộ nghèo cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống, huyện Châu Thành tập trung vào khâu tuyên truyền, vận động người dân tự lực vươn lên, học tập những mô hình làm ăn mang lại hiệu quả để phát triển đời sống cho chính gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp dạy nghề gắn với mô hình giảm nghèo. Tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm giúp người dân thu được hiệu quả trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại với những hộ có khả năng vươn lên thoát nghèo, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, có hướng hỗ trợ nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong năm nay, các xã, thị trấn cũng đăng ký mỗi đơn vị có một ấp không có hộ nghèo...”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>