Giúp người bệnh tâm thần kinh, cơ nhỡ hòa nhập cuộc sống

11/12/2017 | 09:55 GMT+7

Họ được tạo điều kiện học văn hóa, học nghề, cộng với đó là sự chăm sóc tận tình của những cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, giúp sức khỏe được cải thiện, hòa nhập tốt cuộc sống...

Các học viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh học nghề đan dây nhựa. Được làm việc nhẹ nhàng cũng là cách trị bệnh tốt cho họ.

Được học văn hóa và học nghề

Được thầy giáo cầm tay tô từng nét chữ, em Nguyễn Minh Tài hết sức phấn khởi, Tài chia sẻ: “Lúc nhỏ, em chỉ đi học được vài ngày là nghỉ học, bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên năm nay em 20 tuổi rồi mà đâu biết chữ, nay được học chữ em mừng lắm. Ngày nào em cũng tập viết, dẫu chữ viết còn nguệch ngoạc khó coi, nhưng được như vầy em mừng lắm rồi”. Tài là trẻ lang thang vào Trung tâm Công tác xã hội từ năm 2012. Kể về hoàn cảnh gia đình mình, Tài nói: “Quê em ở tỉnh An Giang, nhà nghèo, cha mẹ em đi làm mướn để mưu sinh. Mấy năm trước, em đi phụ quán nhậu ở thành phố Cần Thơ, do làm quá khuya, lại không có giấy tờ tùy thân, nên các chú công an đưa em về trụ sở công an. Các chú cũng nhiều lần liên hệ với gia đình em, nhưng ở quê không có ai, nên đưa em vào trung tâm”.

Gần 1 tháng nay, Tài và 11 bệnh nhân khác được học chữ. Tuy việc dạy chữ cho những bệnh nhân ở trung tâm rất khó khăn, bởi họ nhớ trước quên sau, có khi lại không chịu học. Dù vậy, giáo viên ở đây luôn nỗ lực, nhằm giúp mọi người biết đọc, biết viết, biết tính toán, để hòa nhập cộng đồng sau khi phục hồi sức khỏe trở về với cuộc sống gia đình.

Không chỉ dạy văn hóa, năm 2017 này, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức 2 lớp dạy nghề cho bệnh nhân ở trung tâm. Việc học nghề, không chỉ giúp các học viên vận động, mà còn tạo điều kiện để họ thoải mái tinh thần đầu óc. Anh Phạm Phương Nam cho biết: “Ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, ngoài tập thể dục buổi sáng, lao động nhẹ, chúng tôi còn được học nghề đan dây nhựa. Nhìn những sản phẩm do tự tay mình làm ra, bọn tôi ai nấy mừng lắm”.

Hiện nay, sản phẩm đan dây nhựa ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được DNTN Thành Đạt bao tiêu. Theo ông Nguyễn Thành Hậu, Giám đốc DNTN Thành Đạt, nghề đan dây nhựa rất dễ làm, do đó, ông đã phối hợp với trung tâm mở lớp dạy nghề cho các bệnh nhân ở đây. Trong quá trình dạy nghề, ông phải cầm tay chỉ việc, bởi người học ở đây rất đặc biệt. Sau nhiều lần hướng dẫn mọi người đã biết cách làm và sản phẩm làm ra cũng đạt chất lượng theo yêu cầu của công ty, doanh nghiệp.

Tình thương dành cho người bệnh

Để các bệnh nhân tâm thần kinh sớm phục hồi sức khỏe, trở về với cuộc sống đời thường, thời gian qua, ngoài điều trị bằng thuốc, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn áp dụng nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ khác như tập thể dục buổi sáng, lao động nhẹ, thi hát karaoke, cờ tướng, xem hài… Ngoài ra, các cán bộ, công chức, viên chức ở trung tâm còn dành cả cái tâm của mình để chăm lo những mảnh đời kém may mắn đang được quản lý, nuôi dưỡng tại trung tâm. Anh Nguyễn Hồng Phê, y sĩ ở trung tâm, chia sẻ: “Lúc mới vào trung tâm, khi phát thuốc cho bệnh nhân không những họ không chịu uống, mà còn mắng chửi lại, tôi thấy buồn lắm. Nhưng suy cho cùng, do bị bệnh nên họ mới có hành động như vậy, nên tôi càng thông cảm và hết lòng chăm sóc họ. Công việc của những y sĩ ở đây rất đặc thù, bởi phải chăm sóc những người đặc biệt, do đó, tôi sẽ nỗ lực, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bù đắp những thiệt thòi mà các bệnh nhân đang gánh chịu”.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, quản lý 150 bệnh nhân. Trong đó, có 146 người bệnh tâm thần kinh và 4 người lang thang cơ nhỡ. Mỗi người đến trung tâm là mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai nấy đều đáng thương, cần được quan tâm, chia sẻ. Anh Nguyễn Văn Thảo cho biết: “Mấy tháng trước, tôi hay uống rượu rồi nói lảm nhảm, được gia đình đưa vào trung tâm để điều trị. Các cán bộ ở đây ai cũng tốt, ai cũng quan tâm, chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Nhờ vậy, tinh thần của tôi cũng ổn định hơn”.

Với tinh thần trách nhiệm, cảm thông chia sẻ, các cán bộ, công nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tận tình chăm sóc bệnh nhân, tạo điều kiện để những mảnh đời yếu thế có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay trung tâm còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất xuống cấp, những tháng triều cường dâng cao, gây ngập, ảnh hưởng môi trường. Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc bệnh nhân, trung tâm vẫn chưa có bác sĩ, mức hỗ trợ bệnh nhân ở trung tâm khi điều trị ở các bệnh viện còn khá thấp… Ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, bày tỏ: “Dẫu còn nhiều khó khăn, với tinh thần trách nhiệm, tập thể cán bộ, nhân viên nơi đây sẽ tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình bằng cái tâm, cái nghề và tình yêu thương, nhằm chia sẻ những mất mát mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu. Từ đó, giúp họ sớm cải thiện sức khỏe, tinh thần, để nhanh chóng trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>