Giúp người dân thoát nghèo: Hiệu quả, nhưng còn vướng mắc

01/11/2017 | 08:15 GMT+7

Được sự hỗ trợ, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả cộng đồng, nhiều hộ nghèo đã vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ.

Nhờ có nghề sửa xe, cuộc sống gia đình anh Nghiệm ổn định hơn.

Giảm nghèo nhờ dự án, mô hình hiệu quả

Nhờ nghề sửa xe cộng thêm mua bán nhỏ mà gia đình anh Nguyễn Hoàng Nghiệm, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã thoát nghèo. Nhớ lại những năm tháng vất vả khi còn là hộ nghèo, anh Nghiệm cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã bị khuyết tật ở chân, việc đi lại cũng bị hạn chế. Vì vậy, muốn tìm việc làm thuê cũng gian nan lắm, bởi ai cũng ngán ngại khi thuê người khuyết tật. Năm 2014, sau khi học nghề sửa xe xong, tôi được hỗ trợ vốn cộng thêm vay 14 triệu đồng tôi đã mở tiệm sửa xe nho nhỏ”.

Dẫu công việc sửa xe chốn quê nhà cho thu nhập không cao, mỗi ngày kiếm được năm sáu chục ngàn đồng, nhưng nhờ vậy, cuộc sống anh cũng ổn định. Ngoài sửa xe, vợ anh Nghiệm còn mở tiệm tạp hóa mua bán nhỏ, cũng có thêm đồng ra, đồng vô hàng ngày. “Sau bao năm chí thú làm ăn, năm 2016 vợ chồng tôi cũng thoát được cảnh nghèo. Dẫu cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lao động, để đời sống kinh tế phát triển hơn”, anh Nghiệm bộc bạch.

Năm 2014, có 49 hộ nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, được hỗ trợ thực hiện mô hình giảm nghèo. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ từ 5-6 triệu đồng, để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình mình. Trong thực hiện mô hình, người nghèo phải hoàn lại một phần số vốn hỗ trợ. Việc thu hồi một phần vốn, không chỉ góp phần hỗ trợ cho những hộ nghèo khác, mà còn hạn chế được tâm lý ỷ lại là được cho không của hộ nghèo. Từ đó, giúp mọi người có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện mô hình, cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Tại buổi giám sát ở huyện Long Mỹ về thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo từ năm 2014-2016 vừa qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đánh giá cao các mô hình mà địa phương đã thực hiện trong công tác giảm nghèo. Từ kết quả mà mô hình mang lại cộng thêm các chính sách hỗ trợ khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Cụ thể, năm 2014 huyện Long Mỹ giảm được 3,18% tỷ lệ hộ nghèo, năm 2015 giảm 2,48%, năm 2016 giảm 2,1%.

Còn huyện Phụng Hiệp, từ năm 2014-2016, huyện có 6.196 hộ thoát nghèo. Theo đánh giá của địa phương, để giúp người dân tăng thu nhập, có điều kiện vươn lên thoát nghèo, huyện đã thực hiện mô hình giảm nghèo ở xã Thạnh Hòa và xã Phương Phú. Những mô hình này đã giúp nhiều hộ dân thoát được cảnh nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Không riêng gì hai địa phương này, các huyện, thị, thành phố khác trên địa bàn tỉnh, công tác giảm nghèo cũng khá hiệu quả nhờ các mô hình, dự án thiết thực. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo không phải không còn những bất cập, khó khăn.

Nhưng còn những băn khoăn

Mới đây, qua giám sát thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá: “Hai địa phương đã có sự nỗ lực, tập trung trong thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn được thay đổi. Bên cạnh những mặt đạt được, trong thực hiện công tác bình xét hộ nghèo, một số đơn vị vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, cần có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, các địa phương cũng đề xuất nhiều kiến nghị đến HĐND tỉnh”.

Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, người dân không chỉ đảm bảo về thu nhập mà còn được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch... Qua điều tra, rà soát hộ nghèo, địa phương nhận thấy một số tiêu chí tính điểm hộ nghèo, cận nghèo cần quy định cụ thể, để tránh gây thắc mắc trong người dân và tạo sự công bằng trong xã hội. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Chúng tôi kiến nghị Trung ương cần quy định đối với những hộ có nguồn thu nhập cao nhưng sống trong nhà tạm, không có tài sản thì tính điểm như thế nào cho hợp lý”.

Còn ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp kiến nghị, Trung ương cần ban hành quy định hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cụ thể giữa hộ nghèo N1 với N2 và cận nghèo. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho cộng đồng, người dân và đối tượng thụ hưởng hiểu rõ, tránh gây phiền hà, thắc mắc trong người dân.

Huyện Long Mỹ cũng đề xuất Trung ương cần ban hành chính sách riêng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tách hẳn điều kiện phải thuộc diện hộ nghèo mới được hưởng trợ cấp, nhằm tránh việc cấp cơ sở và người dân đưa những trường hợp này vào hộ nghèo, để nhận sự trợ giúp của Nhà nước.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng, Đoàn giám sát đã có những đánh giá khách quan, đúng thực trạng việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số nơi, cán bộ vẫn chưa cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của tuyến trên, một số người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã không ổn định, hạn chế về chuyên môn... Để thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, để người dân nhận thức sâu sắc về nỗi khổ của cái nghèo, giá trị thực tế khi tham gia học nghề, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong thực hiện đào tạo nghề cần kết nối với các doanh nghiệp, để tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn phải tăng cường công tác giám sát, góp phần thực hiện đúng quy trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo, phản ánh đúng thực chất đời sống người dân...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>