Hành trình vượt lên số phận

07/09/2017 | 09:40 GMT+7

Không may mắn như mọi người, hơn 50 năm làm bạn với bóng tối, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Long Mỹ, không chỉ hoàn thành tốt công tác ở hội, mà ông còn tự tay làm được nhiều việc như người sáng mắt.

Ông Hiền đang vót nan làm lọp giao cho khách.

Bàn tay gầy guộc, khuôn mặt hốc hác, nhưng mỗi bước đi đều vững chãi… khiến người đối diện với ông Hiền vừa thương, vừa khâm phục khi biết ông bị khiếm khuyết. Được tận mắt chứng kiến ông tự nấu cơm, chặt từng cây tre để vót nan làm lọp cho khách, chúng tôi mới thấy hết được nghị lực phi thường ở người đàn ông kém may mắn này. Đang nhanh tay vót từng nan tre để kịp hoàn thành những chiếc lọp giao cho khách, ông Hiền tâm sự: “Hồi năm tôi khoảng 18 tuổi, trong một lần thấy người bà con đặt lọp, mà có lọp hư bỏ nên tôi mới xin về định sửa lại đặt. Rồi qua thời gian mày mò, tôi đã sửa được lọp và bắt tay vào đan lọp, làm câu cắm để bán cho khách luôn”.

Tính đến nay, nghề làm lọp, làm câu gắn bó với ông Hiền hơn 30 năm. Trước đây khi cá ở các kênh, mương còn nhiều nên số lượng lọp và câu cắm được khách đặt khá nhiều, không chỉ mọi người trong gia đình ông tập trung để làm, mà ông còn phải thuê thêm bà con xung quanh vót nan tre tiếp. Khoảng 5 năm nay, do số lượng cá ở các sông không còn nhiều như xưa nên nhu cầu khách đặt lọp, câu đã giảm đi nhiều.

Năm lên 4 tuổi, trong một lần bị bệnh sốt phát ban, di chứng của căn bệnh đã cướp đi ánh sáng bên mắt trái của ông Hiền. Rồi sau đó, trong một lần bị tai nạn ánh sáng mắt phải của ông cũng dần mất đi. Những tháng ngày biết mình không thể nhìn thấy mọi thứ, những tưởng cuộc đời mình đã khép lại, may được sự động viên của bạn bè, gia đình ông đã có thể hòa nhập cuộc sống. Dù ánh sáng mà ông Hiền nhìn thấy hiện nay chỉ còn là những vệt sáng, nhưng để có vật liệu làm lọp, ông vẫn tự tay đi mua từng cây tre. “Gia đình khó khăn, nên tôi cũng gắng làm để có thêm thu nhập. Người ta thấy đường thì người ta làm nhanh, còn mình mù thì mình làm chậm một chút. Giờ tre xiêm cũng dễ đốn, chứ hồi xưa toàn tre gai, mỗi lần mua rồi đốn vất vả lắm”, ông Hiền chia sẻ thêm.

Mỗi cái lọp thành phẩm được ông Hiền bán với giá từ 100.000-120.000 đồng/cái, tùy theo kích thước lớn nhỏ. Theo đó, một cây tre với giá 30.000 đồng có thể làm được một cái lọp thành phẩm. Trừ hết chi phí mỗi cái lọp ông Hiền lời được khoảng vài chục ngàn đồng. Dù mắt không còn nhìn rõ mọi vật, nhưng từng công đoạn để làm ra sản phẩm ông Hiền đều rất tỉ mỉ. Ông chia sẻ, làm lọp khâu quan trọng nhất là đan hom, vì cá vào lọp nhiều hay ít đều phụ thuộc vào hom lọp.

Không chỉ chịu thương chịu khó trong cuộc sống, đối với công việc được giao, ông Hiền còn là một cán bộ hội gương mẫu. Do nhà xa điều kiện đi lại khó khăn, nên khi nhận trách nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Long Mỹ, ông đã nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao, được nhiều người biết tiếng vì sự năng nổ, chịu khó. Ông Hiền cho biết: “Nhà xa, nên tôi thường ở lại hội đến cuối tuần mới về nhà luôn. Do cán bộ hội chúng tôi ai cũng mù, nên phân chia công việc nhau làm. Tôi cũng mong với phần sức lực còn lại, mình có thể giúp ít được cho nhiều người kém may mắn như tôi”.

Bằng ý chí và nghị lực của một người cán bộ hội, người chủ gia đình, ông Hiền sẽ mãi là tấm gương sáng để mọi người có thể học tập và noi theo.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>