Khá lên nhờ trồng môn bán ngó

24/07/2019 | 08:19 GMT+7

Mới thoạt nghe sẽ có không ít người hoài nghi, bởi từ lâu họ chỉ biết trồng sen lấy ngó, hay trồng môn lấy củ, chứ không ai trồng môn lấy ngó bán được tiền chục triệu mỗi tháng, như anh Ba Thắng, ngụ khu vực 4, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, bao giờ.

Anh Thắng bên ruộng môn trồng bán ngó của mình.

Là một nông dân nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, anh Hai Hiểu biết khá nhiều về các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng trước đây với cây môn Thái thì anh chưa từng biết đến bao giờ. Ngày đầu thấy anh Ba Thắng mang giống môn này trồng xuống ruộng, hầu hết bà con trong xóm đều cho rằng anh Ba Thắng “hết thời“ làm nông, ruộng không trồng lúa thì trồng khoai, trồng bắp, hay cây rau màu khác, ai đời đi trồng cây môn lấy ngó, bán ai mua.

Dù có khuyên ngăn mấy, anh Ba Thắng cũng không nghe, sáng sớm thì người ta đã thấy anh mang cơm ra đồng, đánh luống trồng môn cho đến tận tối mới về nhà. Không bao lâu trên diện tích 2.000m2 đất ruộng nhà anh, cây môn Thái đã xanh tốt, đẻ ngó to dài, thương lái từ Thành phố Hồ Chí Minh tìm đến hỏi mua với giá 15.000 đồng/kg. Cứ cách nhau 7-8 ngày, anh Thắng cắt ngó bán một lần, mỗi lần từ 400-500kg ngó/công, sau khi trừ đi các khoản chi phí, hàng tháng anh Thắng còn doi dư khoảng chục triệu đồng, bà con nghe thấy, ai cũng thán phục.

Anh Ba Thắng cho biết: “Trước đây, 2 công đất tôi trồng lúa, mỗi năm làm 2 vụ, nếu năm nào lúa trúng mùa được giá, gia đình tôi chỉ kiếm được 5-6 triệu đồng là nhiều. Nhờ có người quen làm lái thu mua ngó môn, cho mấy cọng ngó môn tôi trồng thử, thấy cây môn chịu đất lớn nhanh không sâu bệnh nên mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích”.

Anh Thắng còn cho biết thêm, cây môn Thái là giống du nhập nhưng rất dễ trồng, có thể trồng được cặp mé ruộng, bờ kênh kể cả vùng đất bị nhiễm phèn. Tuy nhiên, giống môn này, ưu thế phát triển vượt trội cho năng suất cao, thích nghi trên nền đất ruộng hơi trũng, đất thịt bùn nhẹ. Nếu trồng trên nền đất ruộng, tốt nhất là giữ được mực nước cao từ 2/3 mặt luống, không nên để nước ngập quá mặt luống sẽ khiến các ngó không mập mà còn bị vàng. Như vậy, khi ngó môn đến tay người tiêu dùng chế biến các món ăn như nấu canh chua cá, xào thịt heo, thịt bò, nấu cháo cá, cháo lươn, làm gỏi, làm dưa… hương vị ngọt giòn.

Điều quan trọng là trước lúc xuống giống, phải đào rãnh thoát nước để rửa phèn thật kỹ sẽ hạn chế được nhiều hao tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cây con giống có thể tự ươm, mùa nắng cứ khoảng 10-15 ngày bơm nước lên ruộng một lần, mùa mưa không cần bơm nước nhưng phải giữ ruộng môn không có cỏ để hạn chế cây môn bị cạnh tranh dinh dưỡng. Để cây môn thu hoạch lâu dài và cho năng suất ngó được như mong muốn thì phải đánh luống (liếp, giồng) có chiều cao khoảng 30cm, ngang 1m. Cây con hay mắt củ cái, được trồng theo hàng với mật độ cây cách nhau từ 40-45cm, hàng cách hàng khoảng 50cm, mỗi công (1.000m2) trồng với số lượng khoảng 1.000 cây con, hoặc mắc củ. Điều đặc biệt giống môn lấy ngó này có nhiều triển vọng về kinh tế, đó là cho năng suất và chất lượng ngó cao hơn nhiều so với các giống ngó môn truyền thống (ngó to, dài ăn không ngứa). Mặt khác, sau trồng khoảng 2 tháng nên bón phân đúng định kỳ 15-20 ngày/lần bằng các loại phân hữu cơ, hỗn hợp với phân NPK khoảng 10-15kg/công cho môn sớm ra ngó mau thu hoạch. Đầu ra của ngó môn hiện nay luôn ổn định ở mức từ 15.000-17.000 đồng/kg, thông qua các điểm thu mua của thương lái tại địa phương và ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Ba Thắng cho biết: “Tuy là mới bước đầu thử nghiệm giống cây trồng mới, nhưng xem ra 3 năm qua (2016-2019) cây môn Thái đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, từ tiền bán ngó và cây con giống của hơn 5.000m2 đất nhà và đất mướn khi chuyên canh trồng cây môn Thái”. Anh Thắng cho rằng cũng nhờ trồng môn bán ngó có được nguồn thu nhập cao nên giờ đây gia đình anh mới được thoát nghèo bền vững và có cuộc sống khá hơn.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>