Mưu sinh theo con nước

16/02/2017 | 07:51 GMT+7

Mấy ngày gần đây, khi thủy triều lên, dọc theo các nhánh kênh, sông nội đồng trên địa bàn tỉnh sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều người dân dùng ngư cụ để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Họ là những người ít đất sản xuất, tranh thủ lúc nông nhàn giăng lưới, đặt lờ, dỡ chà mé để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Những ngày gần đây, trên khúc kênh Mương Lộ thuộc địa phận huyện Vị Thủy có đông đảo người dân đánh bắt cá.

Triều cường từ thượng nguồn sông Mekong đổ về các nhánh sông phía hạ lưu đột ngột vào những ngày qua làm cho không khí bắt cá của người dân Hậu Giang rộn ràng. Lúc này, hầu hết người dân tập trung khai thác thủy sản trên những nhánh sông, kênh nội đồng. Do đó, cứ vào mỗi sáng sớm, dọc tuyến kênh Mương Lộ dài chưa đầy 10km, nối liền huyện Vị Thủy với thành phố Vị Thanh có cả chục chiếc xuồng, vỏ lãi chở đầy lưới ngược xuôi giăng, với hy vọng mang về nhiều cá.

Vừa thu xong mẻ lưới dài gần 200 thước, anh Bùi Văn Toàn, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đã thu trên 2kg cá. Sản lượng này là nhiều gấp đôi so với những ngày bình thường, do sử dụng lưới chuyên dùng 3 màn nên hầu hết các loài cá bản địa nước ngọt như: cá sặc, cá chốt, rô phi,… đều dính. Anh Toàn chia sẻ: “Do ít đất sản xuất nên kinh tế gia đình luôn chật vật. Tôi phải làm thêm đủ mọi việc, kể cả giăng lưới, cắm câu. Nghề này tuy có cực, nhưng khi con nước đột ngột đổ về, người dân thả lưới dính nhiều cá nên ai cũng hớn hở”. Theo anh Toàn, nhờ con nước rong này, 2 ngày qua, anh kiếm trên 30kg cá các loại. Hôm nay, anh mua thêm 300 thước lưới nữa tiếp tục đi giăng để kiếm ít tiền xoay xở trong gia đình.

Còn ở huyện Phụng Hiệp, vùng đất có nhiều lung, bàu và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trầm thủy quanh năm, nơi đây quy tụ hàng trăm chủng loại thủy sản nước ngọt sinh sống và phát triển. Ông Nguyễn Văn Đang, ở phường V, thành phố Vị Thanh, đang loay hoay dỡ chà mé dọc theo tuyến kênh ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Dỡ chà mé là hình thức khai thác thủy sản cần sự góp sức từ hai người trở lên. Đồng thời, cũng không cần thức khuya, dậy sớm, đón chờ con nước như những người giăng lưới, hay đặt lờ…”. Vì vậy, ngoài công việc đồng áng, ông tranh thủ lúc nông nhàn, cùng với con trai đi dỡ chà mé, nhưng hình thức này chỉ bắt đầu từ những tháng mùa khô, kéo dài đến đầu mùa mưa. Thời gian này giá cá đồng tăng cao, ông bỏ công đi kiếm cá mang ra chợ bán, phần nào cũng nhẹ lo tiền sinh hoạt hàng ngày.

“Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân xong, tôi chuẩn bị đi ốp chà mé, trung bình ốp và dỡ khoảng 4 chà mé/ngày, sản lượng thu được gần cả chục ký cá, chủ yếu là cá lóc, cá trê, rô biển, thát lát, mè vinh... Sau khi đem cá về, tôi phân loại bán với giá từ 60.000-120.000 đồng/kg tùy loại, thu về khoảng 400.000 đồng/ngày, sau khi trừ đi chi phí”, ông Đang chia sẻ thêm.

Khó khăn vất vả là thế, nhưng hễ cứ đến lúc triều cường hay những mùa nước nổi quay về, người dân Hậu Giang lại phấn khởi. Dù số tiền kiếm thêm từ việc khai thác thủy sản không nhiều, nhưng đó là niềm tin, là hy vọng của những người bám sông nước tìm kế sinh nhai. Để rồi, những chiếc xuồng con vẫn ngày đêm âm thầm rẽ sóng nước, có khi sang tận những vùng ngoài tỉnh “giăng câu, bủa lưới”, với mong muốn có được nhiều cá, tôm hơn để bắt đầu cho cuộc mưu sinh mới.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>