Nghĩa cử cao đẹp của ông Sáu Hùng

02/08/2018 | 08:49 GMT+7

“Hễ gặp cây cầu nào mà trụ được làm bằng trụ điện thì biết cầu đó do tôi thiết kế”, ông Sáu Hùng (Lê Văn Sáu), Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Vị Thanh, nói.

Ông Sáu Hùng đi trên cây cầu Thạnh Lợi, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, do ông tận dụng 14 trụ điện trung thế để làm trụ cầu.

Những trụ điện được ông Sáu Hùng tận dụng làm cầu nhằm tiết kiệm chi phí xây cầu chứ không phải để tạo hiệu ứng “độc, lạ” gì.

Độ bền cao

Nghe chuyện ông Sáu Hùng dùng trụ điện làm trụ cầu có vẻ mỏng manh, nhưng được… mục sở thị thì không phải vậy.

Được đưa vào sử dụng vào tháng 3 năm nay, nhưng hiện cầu Thạnh Lợi, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, vẫn còn mới toanh và rất vững. Cầu này ngang 3m, dài 36m nhưng chi phí xây dựng chỉ 250 triệu đồng, bởi ngoài việc thiết kế miễn phí bản vẽ, ông Sáu Hùng còn dùng 14 trụ điện trung thế (dài 14m) để làm trụ và 2 ống cống phi 1.000 dài 4m để làm mố cầu.

Tận dụng trụ điện làm trụ cầu, ông Sáu Hùng cũng có… cách tân. Nghĩa là ông đổ bê tông lắp đầy những lỗ trống trên thân trụ điện; với những cây cầu có trọng tải lớn thì ông làm thêm khuôn, đổ bê tông gia cố cho trụ điện trở nên to hơn bình thường.

Độ bền của nó đã được kiểm chứng, trong đó có ông Nguyễn Chi Lăng, Hiệu trưởng Trường THCS Chiêm Thành Tấn, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.

Năm 2009, ông Lăng nhờ ông Sáu Hùng thiết kế cây cầu nối liền đôi bờ kênh Thanh Thủy để học sinh đến trường dễ dàng. Biết đây là chuyện tốt phải làm nên ông Sáu đi xin, tận dụng 10 trụ điện cũ về xây cầu mới cho học sinh vùng sâu.

Do kinh phí eo hẹp nên ông Sáu Hùng cùng Ban giám hiệu nhà trường và chính quyền xã vận động giáo viên và phụ huynh đóng góp ngày công lao động. Không bao lâu thì cầu hoàn thành ngang 2m, dài hơn 10m với chi phí khoảng 20 triệu đồng. “Trụ cầu làm bằng trụ điện nhưng nó vững chải gần 10 năm nay dù lượng người, phương tiện lưu thông hàng ngày rất lớn”, ông Lăng cho biết.

Cũng có khi mạnh thường quân muốn hỗ trợ xây dựng cầu mà kinh phí không đáp ứng đủ theo thiết kế thì ông Sáu Hùng vẫn nhận làm với lý do: “Nếu không nhận họ sẽ đem cho địa phương khác thì tiếc lắm!”.

Tình cảnh ấy buộc ông phải trằn trọc tìm cách sao cho vẹn toàn, nghĩa là xây cầu đảm bảo chất lượng nhưng phải vừa đủ với số tiền ít ỏi được hỗ trợ. Vậy là ông cùng chính quyền địa phương nơi thụ hưởng đi vận động người dân đóng góp ngày công lao động để kéo giảm tối đa chi phí xây dựng…

Đáp nghĩa cho quê hương thứ hai

Với cách làm ấy, ông Sáu Hùng đã miệt mài thiết kế bản vẽ miễn phí và tận dụng trụ điện để xây dựng hàng trăm cây cầu tại nhiều vùng nông thôn ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ hơn chục năm qua.

Đâu chỉ có vậy, ông còn trực tiếp tới lui giám sát để đảm bảo quá trình thi công các cây cầu do ông thiết kế chất lượng nhất, dù công việc cơ quan nhiều lúc bộn bề.

Sở dĩ ông Sáu Hùng coi Hậu Giang là quê hương thứ hai vì ông đã đến đây định cư, làm việc, sinh sống ngót nghét gần 40 năm sau khi đã tốt nghiệp trung cấp ngành xây dựng. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở tận xứ Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).

Biết được nghĩa cử cao đẹp của ông Sáu Hùng nên nhiều mạnh thường quân gần xa muốn hỗ trợ xây dựng cây cầu nào đó ở thành phố Vị Thanh đều nhờ ông thiết kế xây dựng, bởi trong suốt quá trình thi công các cây cầu ông đều công khai, minh bạch mọi thứ về tài chính.

Tháng 10 năm nay ông sẽ về hưu, nhưng vẫn quả quyết sẽ tiếp tục làm việc có ích cho xã hội như đã làm bấy lâu nay.

Hàng trăm cây cầu bê tông vững chải ở nhiều vùng nông thôn sâu trên địa bàn tỉnh được xây dựng mang theo niềm vui rất lớn cho người dân, nhưng có lẽ không nhiều người biết đến công sức đóng góp của ông Sáu Hùng. Sự cống hiến của ông rất thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa. Xã hội rất cần nhiều người như ông Sáu Hùng để cuộc sống được giàu đẹp hơn và tình người thêm lan tỏa...

“Chẳng lẽ các mạnh thường quân dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn cho tỉnh mà mình lại nhận tiền thiết kế bản vẽ cho họ thì coi sao được”, ông Sáu Hùng nghĩ thế và tận tụy cống hiến sức mình.           

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>