Người phụ nữ khuyết tật không đầu hàng số phận

07/08/2018 | 05:08 GMT+7

Khiếm khuyết một phần cơ thể, trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, khi di chuyển hầu như phải bò bằng chân và tay... nhưng bà Võ Thị Tươi, ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, chưa bao giờ đầu hàng trước số phận.

Do chân không thể đi lại, nên mọi sinh hoạt bà Tươi chủ yếu phải bò.

61 tuổi lại đèo thêm cháu

Ở cái tuổi 61, đôi chân ngày càng teo nhỏ lại, đi lại sinh hoạt phải bò hoặc chống gậy, trong người lại mang nhiều căn bệnh không biết sẽ tái phát lúc nào. Không những vậy, hiện bà còn nuôi thêm đứa cháu do con gái bỏ lại từ khi cháu mới được 4 tháng tuổi. Bà Tươi tâm sự: “Cha mẹ kể lại, lúc nhỏ, tôi cũng như bao đứa trẻ khác, nhưng khi lên 7 tuổi hễ đi là té ngã, cứ như vậy cho đến khi tôi 10 tuổi là không còn đi được nữa. Do nhà nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên cũng đâu chữa trị gì, tôi đi lại sinh hoạt chủ yếu là bò hoặc chống cây không à. Hồi còn trẻ, tôi cũng đi làm thuê, làm mướn cho bà con xung quanh đây như quét nhà, lau nhà, làm cỏ mướn… ai kêu gì làm đó. Rồi gần chục năm nay, chân càng ngày càng yếu làm không nổi nữa tôi chuyển qua chằm lá, may mền, may gối bán cho mấy người trong xóm”. 

Cuộc sống còn càng bất hạnh hơn, khi người chồng những tưởng sẽ cùng bà vượt qua khó khăn cũng bỏ đi theo người khác, lúc đó 3 đứa con của bà còn rất nhỏ. Thấy hoàn cảnh bà khó khăn, mọi người xung quanh cũng chủ động mướn bà Tươi làm các công việc lặt vặt để bà có tiền, có gạo nuôi gia đình. Ngoài ra, bà con còn giúp bà đi xin, đi mua vải vụn với giá rẻ để bà kết mền kiếm thêm thu nhập nuôi cháu.

Bà Tươi tâm sự: “Hơn chục năm nay, khi thấy mình đi lại ngày càng khó, tôi chuyển sang sống bằng nghề kết mền và gối tại nhà. Đa phần, đồ tôi làm ra chỉ bán cho bà con hàng xóm hoặc cho mấy người nhà nghèo như tôi thôi. Do đồ làm chủ yếu bằng tay, nên sản phẩm không được như hàng may, bởi vậy cũng ít người dùng. Cũng may, nhờ bà con ở đây thương, nên có khi xin vải về cho. Thấy hoàn cảnh của hai bà cháu vậy, nhiều người cũng cho gạo, cho rau cải, thịt, cá… nhờ vậy mà bà cháu tôi mới sống được qua ngày”.

Nhà nghèo, không có đất đai, nên hiện căn nhà của bà Tươi cũng là ở nhờ trên đất người quen. Cách đây không lâu, để giúp bà Tươi đi lại dễ dàng hơn, chính quyền địa phương cũng được xét tặng bà một chiếc xe lắc.

Mơ ước có cái máy may

Cắt từng miếng vải vụn, lấy các miếng vải đã cắt may vào những miếng giấy cứng hình lục giác đều, sau đó kết các miếng vải lại với nhau theo hình tứ giác… đây là các công đoạn để cho ra được một cái mền, cái gối hoàn chỉnh, là công việc gần chục năm nay, ngày nào bà Tươi cũng cặm cụi làm. Tuy không đẹp như làm bằng máy may, nhưng trong từng đường kim, mũi chỉ bà Tươi đều cố gắng may cho thật đều tay, khéo. “Trung bình, khoảng 3 tháng tôi mới may xong được một cái mền và nửa tháng mới rồi được một cái gối. Không chỉ có may tay, nhiều lúc gối kết xong cũng cần các đường may dằn cho chắc và đẹp, tôi phải mang lại mấy người có máy may nhờ người ta đạp giùm cho mấy đường. Tôi mong muốn mình có được cái máy may để may cho nhanh hơn và sản phẩm đẹp hơn”, bà Tươi mong ước.

Nhìn đứa cháu ngoại thiếu vắng tình thương của cha và mẹ đang lớn lên từng ngày, bà Tươi lại ước mình có thể sống lâu hơn để lo cho cháu. Bà Tươi cho biết: “Tuy mới chỉ 6 tuổi, nhưng thấy tôi đi lại khó khăn, việc gì làm được cũng bảo để nó làm phụ bà. Nhà nghèo đâu có thịt, món ngon gì, nên nhiều lúc nghe cháu nói ngoại ơi con thèm thịt, thèm cái này, cái kia cũng mủi lòng. Nhiều lúc tôi bệnh nghe cháu nói “Ngoại đừng có chết, ngoại phải gắng sống với con”, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng làm việc, cố gắng kiếm tiền để cháu lo cho cháu mình có được tương lai tươi sáng hơn”.

Cuộc sống phía trước của hai bà cháu bà Tươi sẽ còn nhiều vất vả, bởi mỗi ngày trôi qua, đôi chân của bà lại thêm yếu đi. Nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên của bà, cùng sự quan tâm giúp đỡ của mọi người, của xã hội, gánh nặng mưu sinh sẽ ngày càng vơi đi phần nào trên đôi vai gầy guộc của bà Tươi và ước mơ cháu của bà sẽ được đến trường như bạn bè đồng trang lứa sẽ thành hiện thực…

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>