Người thương binh hay làm…

17/07/2019 | 07:40 GMT+7

Từng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, khi trở về với cuộc sống thời bình, ông Trần Văn Muôn (Sáu Muôn), thương binh 4/4 ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A luôn nỗ lực, để xây dựng cuộc sống mới.

Dẫu lớn tuổi, nhưng ông Sáu Muôn luôn tích cực lao động.

Nhớ thời trai trẻ quyết tâm đánh giặc

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Sáu Muôn sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1972, khi 18 tuổi, ông thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Tiểu đoàn Tây Đô 2. Những ngày ở đây, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch.

Năm 1974, ông cùng đồng đội đánh đồn địch và bị thương ở vai phải, phải điều trị gần 2 tháng. Khi vết thương vừa khỏi, ông lại tiếp tục tham gia cùng đồng đội chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Cũng trong năm này, một lần nữa ông bị thương ở vai trái. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng đất nước. Theo ông Sáu Muôn, trong chiến tranh bị thương là điều không tránh khỏi, tuy nhiên, với lòng căm thù giặc sâu sắc, dù vết thương trên người ngày một nhiều thêm, cũng là lúc quyết tâm đánh đuổi quân thù nhân lên gấp bội.

Ông Sáu Muôn kể, những năm chiến đấu cùng đồng đội, có lúc thiếu gạo, ông cùng mọi người phải ăn chuối nướng, hoặc nấu cháo ăn qua ngày với lá cây, rau rừng. Dù vậy, ai nấy đều một lòng với cách mạng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. “Sống trong quân đội dẫu chỉ có 4 năm nhưng với tôi đó là những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ. Với những năm tháng được sát cánh chiến đấu cùng đồng đội, là những năm tháng hào hùng tôi không thể nào quên được”, ông Sáu Muôn bồi hồi.

Về già góp sức xây dựng cuộc sống mới

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phục viên. Sau khi rời quân ngũ, thương binh Sáu Muôn chú tâm lao động sản xuất, để lo cuộc mưu sinh. Ông được gia đình bên vợ cho 13 công ruộng, tuy nhiên những năm đó, mùa màng thất bát, làm chẳng đủ ăn. Với suy nghĩ chiến tranh ác liệt còn có thể vượt qua, chẳng lẽ ông lại chịu thua cái đói, cái nghèo. Chính vì vậy, ông luôn trăn trở phải làm sao để vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. “Lúc đó, tôi vừa làm ruộng vừa nuôi heo, ngoài ra còn đi làm thêm, để lo miếng cơm manh áo qua ngày”, ông Sáu Muôn chia sẻ.

Cái khó không thể bó được ý chí và nghị lực vươn lên của người thương binh Sáu Muôn. Ông cật lực lao động, dần dà cuộc sống cũng đủ ăn. Cách đây 8 năm, ông mạnh dạn vay tiền Nhà nước gần 600 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp. Từ đây, kinh tế gia đình ông đã bước sang trang mới. Sau 2 năm dành dụm, ông đã trả hết số tiền vay và có tích lũy vốn. Sau đó, ông bán cái máy cũ và mua thêm 2 cái máy gặt đập liên hợp mới. Mỗi năm 3 vụ lúa, 2 cái máy gặt đập liên hợp cũng thu hoạch trên 4.000 công ruộng, mang về thu nhập đáng kể cho gia đình.

“Ruộng đẻ ra ruộng”, từ 13 công đất ông được cha mẹ vợ chia cho, ông đã mua thêm 14 công ruộng. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng. “13 công ruộng ban đầu, tôi chuyển sang làm vườn. Hiện tôi đang trồng sầu riêng và mít Thái. Sang năm, sầu riêng và mít cho trái, thu nhập gia đình tôi sẽ tăng thêm nữa”, ông Sáu Muôn cho hay.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Sáu Muôn còn tham gia công tác ở địa phương. Hiện nay, ông là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trường Hiệp. Từng là lính Cụ Hồ nên ông luôn dốc lòng cống hiến cho quê hương. Trong công việc, ông luôn tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tận tình hướng dẫn giúp đỡ người dân, nhất là những hộ nghèo. Ông Sáu Muôn tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của tôi hiện giờ là đời sống của bà con địa phương đã thay đổi. Hiện ấp còn 15 hộ nghèo, dự kiến năm nay sẽ thoát nghèo 7 hộ. Với những hộ này, tôi cùng với cán bộ địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, nắm bắt mô hình làm ăn, để giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Nhận xét về người thương binh giàu nghị lực, ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, nói: “Ông Sáu Muôn là một trong những thương binh tích cực lao động sản xuất. Ngoài ra, ông còn làm tốt vai trò bí thư chi bộ, trưởng ấp. Mọi công tác xã hội ông đều hoàn thành tốt, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình ở địa phương, xứng đáng để mọi người học tập và làm theo”.

Ở tuổi 64, lại là thương binh 4/4, sức khỏe đã giảm sút do di chứng chiến tranh để lại, nhưng ông Sáu Muôn - đảng viên 34 năm tuổi Đảng vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cháu phấn đấu học tập, lao động sản xuất, xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Cùng với sự hỗ trợ, quan tâm từ cấp ủy, chính quyền các cấp, những thương binh, gia đình chính sách như ông Sáu Muôn luôn cố gắng vươn lên từng ngày. Toàn huyện Châu Thành A có trên 820 gia đình chính sách hưởng trợ cấp hàng tháng, với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Trong đó, có 9 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 250 thương binh, 318 gia đình chính sách…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>