Nhà gần điện lực mà vẫn xài điện câu đuôi

20/04/2018 | 07:30 GMT+7

Nguồn điện phục vụ sinh hoạt yếu, không thể sử dụng để nấu cơm, quạt máy bật không mát, khiến cho tiết trời nắng nóng càng trở nên oi bức.

Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân ở ấp Mỹ Quới B gồng mình chịu khổ với những đường dây điện thiếu an toàn.

Rẽ khỏi đường tránh trung tâm huyện Phụng Hiệp chạy dọc theo kênh La Bách (cặp bên Điện lực huyện Phụng Hiệp) khoảng 4km rồi rẽ phải sẽ vào các tuyến Kênh 82, Kênh 83 thuộc thị trấn Cây Dương. Nơi đây còn hàng chục hộ dân sống trong cảnh xài điện yếu. 

Mỗi ngày, đợi đến gần 8 giờ sáng, chị Lê Thị Kim Oanh, ở ấp Mỹ Quới B đã vội nấu nồi cơm điện rồi mới bắt tay vào việc đồng áng. Chị Oanh cho hay: “Phải nấu cơm sớm vì điện yếu lắm. Nấu gần một tiếng đồng hồ cơm mới chín. Chứ để đến giờ trưa thì nấu không kịp”. Chị Oanh cũng như bà con trong xóm thích nghi với thói quen này hơn chục năm nay. Sáng cũng như tối, mọi sinh hoạt của gia đình chị đều đi trước thời gian. Thỉnh thoảng cả gia đình chị vẫn ăn cơm “dưới cơm, trên gạo”.

Ở nhà cạnh bên, bà Nguyễn Thị Hóa, hộ câu chung đồng hồ với chị Oanh, than phiền: “Nhà này nấu cơm điện thì nhà còn lại nấu cơm củi. Chỉ có 2 hộ chung một đồng hồ mà điện còn yếu như vầy nói chi 3-4 hộ xài chung. Mang tiếng sống ở thị trấn mà như ở vùng sâu, vùng xa vậy”.

Hơn một tuần nay, nhiệt độ trung bình vào ban ngày khá cao, nền nhiệt oi bức càng làm đảo lộn sinh hoạt hàng ngày của người dân. Vào thời điểm gần 12 giờ trưa, trước sự chứng kiến của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hóa mở quạt điện. Nhấn vào số chỉ công suất lớn nhất mà cánh quạt vẫn quay nhè nhẹ. Trong nhà bà Hóa còn 3 quạt điện khác nằm ở góc phòng. Chỉ vào đống quạt, bà Hóa phân trần: “Mấy cây kia hư hết rồi. Chừng vài ba tháng là hỏng do điện yếu quá. Nóng quá, tôi chạy đi mua nước đá về giải nhiệt. Thế nên, mỗi ngày tốn thêm chừng 5.000-6.000 đồng”.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Tâm, ngụ cùng ấp bức xúc: “Nắng nóng, điện lại yếu nên sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Xài điện câu đuôi đã khổ, vô mùa nắng nóng còn cực bội phần. Cả nhà ai cũng mang võng ra bóng cây nằm cho đỡ nóng, còn buổi tối thì mở hết cửa sổ cho thoáng rồi lấy quạt mo xài đỡ”. 

Nhưng nỗi khổ đó vẫn chưa là gì so với việc hễ nhà nào có đám tiệc phải xin câu nhờ thêm 2-3 nhà khác, mặc dù trong nhà vẫn đang có điện. “Điện yếu nên mấy cái loa thùng nó đâu chịu hát. Đám tiệc chỉ cầu đèn đủ sáng thôi. Mấy tuần trước, nhà bên kia sông có đám cưới, họ xin câu nhờ về đốt đèn. Còn tiệc tùng gì họ chỉ xài thùng loa kẹo kéo chứ không dám thuê dàn âm thanh chất lượng”, chị Oanh cho biết thêm.

Cũng vì dòng điện quá yếu mà người dân ở đây chưa ai dám sắm tủ lạnh hay các vật dụng dùng điện khác. Bởi mua về rồi cũng để đó chứ không sử dụng được. Bóng đèn thì chỉ dám dùng loại compact tiết kiệm điện. Hạn chế đến mức đó nhưng điện vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Các thiết bị điện thường xuyên bị hư hỏng. Riêng bóng đèn, thọ lắm cũng chỉ có thể trụ được 2 tháng.

Các hộ nằm trong Kênh 82, Kênh 83 đều phải câu từ đường dây Kênh Mới, hộ xa nhất cũng cả cây số. Mang danh xài điện vậy mà quanh năm suốt tháng không có ngày nào đủ điện, bởi dọc tuyến kênh này chưa kéo trụ điện. Đồng hồ thì 2-4 hộ vô chung đặt ngoài trụ lớn rồi tự mua dây kéo về nhà mình. Đường dây cũng chỉ là những sợi mỏng manh không khác gì dây điện kéo trong nhà, cột điện dựng bằng tre, chạy len lỏi dưới tán cây ven đường.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những hộ dân ở ấp Mỹ Quới B, hiện nay trên địa bàn thị trấn Cây Dương còn đến 6 tuyến ở các ấp Thống Nhất, Mỹ Hòa, Mỹ Lợi, Hưng Phú, Mỹ Quới với khoảng 250 hộ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đáng nói là, đường đi khá thuận lợi, nhưng điện lưới vẫn chưa đến với các hộ dân nơi đây. Vị trí các ấp cách UBND thị trấn và Điện lực huyện Phụng Hiệp xa nhất chỉ 6km. Ông Nguyễn Văn Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cây Dương, chia sẻ: “Đây là điều mà địa phương rất trăn trở bởi vì ảnh hưởng đến việc xây dựng đô thị văn minh. Điện là tiêu chí cứng và cần đạt trước mà địa phương vẫn chưa đạt”. 

Theo thống kê của Điện lực Phụng Hiệp, toàn huyện hiện còn đến 28 tuyến chưa có điện với chiều dài đường dây hạ thế khoảng 47km. Tổng kinh phí đầu tư đường dây hạ thế cho các tuyến này khoảng 20 tỉ đồng. Thời gian qua, Nhà nước và ngành điện đã giành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư lưới điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn. Tuy vậy, do địa bàn rộng nên việc đầu tư chưa giáp, từ đó nhiều vùng nông thôn ở huyện Phụng Hiệp vẫn còn tình trạng người dân sử dụng điện câu đuôi. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí, mà còn rất nguy hiểm cho người dân sử dụng.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>