Nhịp cầu nối những bờ vui

09/10/2017 | 08:52 GMT+7

Nhìn những đôi chân nhỏ đuổi bắt nhau trên những cây cầu bê tông chắc chắn, đâu ai ngờ trước đây đó chỉ là những cây cầu ván hay những chiếc cầu khỉ cheo leo, thậm chí có nơi còn chưa có cầu.

Cầu kênh Sáu Tường (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp), được xây dựng, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Kết nối những tấm lòng hảo tâm

Với tinh thần tự nguyện, hết lòng vì cộng đồng, thời gian qua, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Phụng Hiệp đã không ngại khó, đi nhiều nơi để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài huyện đóng góp tiền, vật tư xây dựng nhiều cây cầu bê tông cốt thép. Qua công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà mạnh thường quân và nhân dân đã thấy được ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng cầu nông thôn nên đã tích cực ủng hộ, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền, của cho lợi ích xã hội. Điển hình như Chi hội thiện nguyện Hành trình yêu thương ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm qua, các thành viên trong chi hội đã tích cực đóng góp, đồng thời kết nối nhiều tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước để chung tay góp sức trong việc xây dựng nhiều cây cầu giao thông nông thôn ở huyện Phụng Hiệp. Bà Nguyễn Mỹ Loan, đại diện Chi hội thiện nguyện Hành trình yêu thương ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong những lần tháp tùng cùng đoàn từ thiện, tôi đã đến tỉnh Hậu Giang, trong đó có huyện Phụng Hiệp. Tôi thấy nơi đây vùng sâu, kênh rạch chằng chịt, lộ làng, cầu kỳ chưa được thông thương, người dân, các em học sinh đi lại khó khăn. Thấy vậy, tôi cùng các thành viên của chi hội vận động mạnh thường quân để bắc cầu bê tông, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại”.

Khi mỗi cây cầu bê tông nông thôn được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ là niềm vui của những người làm công tác từ thiện mà còn là niềm vui chung của cả người dân và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, ở ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Từ ngày có cây cầu bê tông này (cầu kênh Sáu Tường), việc đi lại, mua bán hàng hóa của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc trước, đây chỉ là cây cầu ván, những khi trời mưa cầu trơn trợt, cho nên mỗi lần đưa cháu nội đi học hay đi chợ, tôi đều chạy vòng lên phía trên khoảng 800m, rồi vòng lại, chứ không dám chạy qua cầu. Có được cây cầu bê tông cốt thép như thế này bà con nơi đây ai nấy mừng lắm, đáp ứng mong muốn của bà con, nhằm xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”.

Nhà nằm kế chân cầu kênh Sáu Tường, ông Đỗ Văn Tường, ngụ cùng ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Có đường, có cầu, giao thông đi lại thuận tiện, cuộc sống của người dân chúng tôi sẽ được nâng lên”. Trong thời gian công trình thi công, gia đình ông Tường cùng một số hộ dân địa phương đã tích cực đóng góp, để công trình sớm ngày hoàn thành.

Giúp mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện

Với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì thế, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và tấm lòng của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã làm cho bộ mặt giao thông nông thôn ngày càng thay đổi, việc lưu thông được thuận tiện nhờ những chiếc cầu bê tông cốt thép được xây dựng ngày một nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phụng Hiệp, công tác vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn luôn được hội chữ thập đỏ huyện tích cực thực hiện. Nhờ đẩy mạnh công tác vận động, nên nguồn lực huy động ngày càng tăng, tài chính công khai, minh bạch, dân chủ. Từ đó, tạo được niềm tin của các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm ngày càng có hiệu quả hơn và họ đóng góp ngày càng nhiều hơn cho hoạt động xây dựng cầu đường. Từ năm 2011 đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động xây dựng trên 50 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hàng tỉ đồng.

Không riêng huyện Phụng Hiệp, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tích cực vận động thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, nhất là xây dựng cầu giao thông nông thôn. Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, khi thấy bà con và các em học sinh đi lại trên những chiếc cầu chắc chắn, những người làm công tác chữ thập đỏ ở địa phương ai nấy đều vui lòng. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động, để ngày càng có nhiều cây cầu bê tông cốt thép được xây dựng, góp phần giúp người dân đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Đồng thời, giúp mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong khi kinh phí Nhà nước chưa thể xây dựng được hết những nhịp cầu, thì những cây cầu bê tông cốt thép được xây dựng từ tấm lòng của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã góp phần nối nhịp bờ vui. Không chỉ giúp bà con địa phương thuận tiện trong việc đi lại, mua bán, sản xuất, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>