Nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo

23/04/2019 | 09:16 GMT+7

Chủ động gặp gỡ hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời nắm bắt được nguyên nhân nhằm tạo điều kiện phù hợp để họ vươn lên thiếu hụt là cách làm đang được xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tập trung thực hiện.

Để giúp người dân giảm nghèo, thời gian qua, địa phương cũng tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ nghèo, cận nghèo học nghề may túi xách để cải thiện thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của địa phương luôn chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để giúp các ấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Hiện tại, địa phương vẫn gặp một số khó khăn trong công tác giảm nghèo như: một số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội không còn khả năng lao động, nên rất khó thoát nghèo… ”. Theo đó, đến cuối năm 2018 trên địa bàn xã Đông Phước A còn 84 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,32% (giảm 61 hộ so với đầu năm 2018), và 68 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,69% (giảm 21 hộ so với đầu năm 2018).

Là một trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo trong năm 2018, nhờ mô hình trồng cây ăn trái, ông Dương Văn Minh, 46 tuổi, ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, phấn khởi nói: “Cũng nhờ địa phương xem xét hỗ trợ cho gia đình được vay vốn, nên tôi mới có điều kiện thoát nghèo như hiện nay. Từ số vốn vay 50 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn lên vườn 3.000m2 đất hiện có của gia đình để trồng bưởi da xanh, quýt tiều và cam sành. Sau thời gian chăm sóc, hiện các loại cây ăn trái này cũng cho gia đình thu nhập được từ 60-70 triệu đồng/năm”.

Dù có đất canh tác, nhưng trước đây gia đình ông Minh chủ yếu để trồng lúa. Tuy nhiên, thời điểm đó lúa cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, ông Minh có thời gian phải bỏ đi làm thuê. Được biết, trong thời gian đi làm thuê cho một số nhà vườn ở Vĩnh Long, thấy mô hình trồng cây ăn trái cho thu nhập ổn định, nên khi về địa phương ông đã quyết tâm chuyển đổi đất lúa sang làm vườn. Để hỗ trợ ông Minh về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây ăn trái, tổ kỹ thuật của địa phương cũng thường xuyên mời ông tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Hiện tại, không chỉ có thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái, mà đầu năm nay, gia đình ông Minh đã cất được nhà mới khang trang và trở thành hộ khá giàu của địa phương.

Còn đối với hộ của bà Võ Thị Kim Phượng, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, cũng nhờ được địa phương tạo điều kiện, đến nay, gia đình bà từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Phượng tâm sự: “Để cải thiện kinh tế gia đình, với số vốn được địa phương hỗ trợ, tôi đã chủ động chuyển đổi tất cả diện tích đất đang trồng cam sành kém hiệu quả sang trồng mít, chanh, đu đủ và trồng sen lấy ngó. Hiện tại, các loại cây trồng trên cũng cho gia đình thu nhập ổn định, nhờ vậy tôi cũng có điều kiện để cất lại nhà mới khang trang. Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập vào các buổi tối rảnh rỗi, tôi cũng nhận túi xách về may gia công tại nhà. Theo đó, cũng kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng từ công việc may túi xách này”.

Có thể thấy, với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Đông Phước A, đã đạt những kết quả rất đáng phấn khởi. Nhờ được hướng dẫn mô hình làm ăn hiệu quả, đã giúp cho người dân nghèo trên địa bàn từng bước thoát nghèo bền vững. Theo đó, trong năm 2019 này, địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu giảm thêm 20 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết: “Hiện địa phương đã tập trung rà soát, đánh giá nguyên nhân và triển khai nhiều biện pháp hiệu quả như: hỗ trợ về vốn, cây giống, con giống, hướng dẫn thực hiện mô hình làm ăn phù hợp, mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu cho những người trong độ tuổi lao động đi làm việc ở các công ty… Đặc biệt, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các hộ nghèo để họ nâng cao ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>