Nỗ lực trên “Mặt trận giảm nghèo”

23/11/2017 | 06:51 GMT+7

Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017. Qua kết quả bước đầu đã cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trên “Mặt trận giảm nghèo”.

Nhờ thực hiện mô hình làm ăn mang lại hiệu quả, nên gia đình ông Quyền thoát nghèo năm 2017.

Nền tảng để giảm nghèo bền vững

Những ngày qua, các điều tra viên trên địa bàn tỉnh đã đến từng gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có nguy cơ rơi vào hộ nghèo để điều tra, rà soát hộ nghèo. Theo ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cuộc Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm chăm lo đời sống người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, đòi hỏi công tác này phải thực hiện một cách chính xác, công bằng, khách quan, không trùng lắp và không bỏ sót đối tượng. Ông Thông chia sẻ: “Trong công tác điều tra hộ nghèo, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền tuyến trên. Ngoài ra, các điều tra viên ở địa phương còn được tập huấn, nhờ đó, việc điều tra được thuận lợi. Qua rà soát, trong năm 2017, toàn xã có 188 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 4,24%”.

Là hộ nghèo đã mấy năm nay, ông Phạm Văn Quyền, ở ấp Hòa Quới B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, luôn tự ti, mặc cảm với mọi người. Do đó, ông cố gắng lao động, hy vọng có ngày thoát khỏi cảnh nghèo. Niềm mong ước của ông đã thành sự thật, khi cuối năm 2017, qua kết quả điều tra, rà soát của địa phương, gia đình ông Quyền đã chính thức thoát nghèo. Kể về hoàn cảnh gia đình mình, ông Quyền cho biết, nhà nghèo, không ruộng nương vườn tược, vợ chồng ông làm thuê, làm mướn đủ mọi nghề mà vẫn thiếu trước hụt sau, cuộc sống chồng chất khó khăn. Trước khó khăn ấy, địa phương đã cấp cho ông sổ hộ nghèo, để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Từ ngày nằm trong danh sách hộ nghèo, vợ chồng ông càng cật lực lao động, để sớm trả lại sổ hộ nghèo. Rồi cuộc sống gia đình dần ổn định khi ông được người cháu hướng dẫn làm nghề quay heo, bình quân mỗi tháng ông cũng quay được vài chục con. Ngoài nguồn thu nhập từ công việc của ông, vợ ông còn đi bán thịt heo, bán xôi, sữa đậu nành ở chợ Cầu Móng, ngày cũng kiếm được năm bảy chục ngàn đồng, đủ chi tiêu xoay xở trong gia đình. Ông Quyền bộc bạch: “Khi đến điều tra, chấm điểm tại gia đình, các điều tra viên đã giải thích tận tình gia đình tôi đạt tiêu chí nào và số điểm bao nhiêu. Qua chấm điểm các tiêu chí, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi cảm ơn mọi người đã quan tâm tạo điều kiện, để gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn”. Được biết, căn nhà của ông Quyền đã lụp xụp, xuống cấp và được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, để xây dựng lại vào cuối năm nay.

Trong thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017, các điều tra viên luôn thực hiện một cách công tâm, khách quan, công bằng. Đồng thời, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ giảm nghèo các cấp. Theo ông Võ Văn Sang, Trưởng ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, nhờ được tập huấn và sự hướng dẫn của cán bộ giảm nghèo các cấp, nên những điều tra viên như ông hiểu rõ quy trình điều tra hộ nghèo. Trong quá trình điều tra, ông luôn thực hiện một cách khách quan, công bằng, trung thực, quyết tâm không bỏ sót đối tượng. Được biết, đầu năm ấp Thạnh Thắng có 42 hộ nghèo, đến cuối năm qua kiểm tra, rà soát giảm được 31 hộ nghèo.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra

Thực hiện theo Nghị quyết Huyện ủy, năm 2017 huyện Vị Thủy phấn đấu giảm từ 2-3% hộ nghèo. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,43%. Để đạt được kết quả đó là cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo ông Lý Văn Chi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo trong năm 2017, địa phương đã tập trung cho những đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao như ấp 2, ấp 3, xã Vĩnh Trung. Đồng thời, nắm lại nhu cầu của người nghèo, để có hướng giúp đỡ kịp thời. Những hộ thiếu tư liệu sản xuất thì dạy nghề gắn giải quyết việc làm, còn những hộ có tư liệu sản xuất thì hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng vào cuộc, hướng dẫn hội viên thực hiện những mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy, ngay từ đầu năm các địa phương đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên, quyết tâm giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo. Đơn cử như huyện Châu Thành A ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, địa phương còn thực hiện mô hình giảm nghèo trong gia đình chính sách và đảng viên thuộc diện hộ nghèo. Các phòng, ban ngành, đoàn thể, mặt trận sẽ hỗ trợ gia đình chính sách, đảng viên nghèo bằng nhiều hình thức, nhằm giúp mọi người tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, các cấp, các ngành còn vận động xã hội hóa, để hỗ trợ nhà ở, giúp mọi người an cư lạc nghiệp. Ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cộng thêm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 8,7% vào đầu năm xuống còn 6,42%, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các nguồn lực, để hỗ trợ hộ nghèo, giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh tình trạng tái nghèo”. 

Với những giải pháp đồng bộ của các địa phương cùng sự đồng thuận của cộng đồng, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả thi. Từ đó, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên, đồng thời tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>