Ốc bươu vàng cho thu nhập khá

25/10/2017 | 08:18 GMT+7

Nghe có vẻ mâu thuẫn vì ốc bươu vàng là “kẻ thù” của người trồng lúa, tuy nhiên thực tế đó đang diễn ra ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, khi nhiều hộ dân có thu nhập khá nhờ nghề bắt ốc bươu vàng lể lấy thịt bán.

Nghề bắt ốc bươu vàng lể thịt bán đang mang lại nguồn thu nhập kha khá cho người dân xã Tân Phú.

Đang là mùa nước nổi nên hầu hết các cánh đồng ở xã Tân Phú chìm trong nước. Có địa hình trũng nên khi nước lũ mới chớm về là Tân Phú bị ngập trước; khi nước rút cũng chậm hơn so với các địa phương lân cận. Điều kiện như thế đã tạo môi trường thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở và từng là nỗi ám ảnh trong các vụ mùa của người dân. Cái khó không… ló cái khôn, người dân chất phác, cần cù nhưng giàu tính sáng tạo đã biết “lợi dụng” ốc bươu vàng để phục vụ cho mưu sinh vốn còn lắm vất vả.

Ấp Tân Hòa là một trong những nơi có nhiều người dân sống bằng nghề bắt ốc bươu vàng lể lấy thịt bán. Theo Trưởng ấp Lê Hoàng Khả, có tới 50-60% người dân trong ấp đang làm nghề này để có thêm thu nhập trong mùa nước nổi.

Người có nhiều thâm niên nhất phải kể đến bà Nguyễn Thị Nhì. Bà Nhì kể, gia đình có 1,5 công đất làm lúa nên không đủ trang trải cuộc sống nếu chỉ dựa vào nghề phụ hồ của người chồng. Khoảng 6-7 năm trước, khi người dân trong xóm râm ran chuyện bắt ốc bươu vàng lể lấy thịt bán cho các chủ vựa nuôi cá ở địa phương thì bà cũng… “ăn theo” kể từ đó.

Chúng tôi ghé đến nhà cũng là lúc bà Nhì đang ngồi lể thịt số ốc bắt được tối hôm trước. Khởi hành từ chạng vạng tới khoảng nửa đêm, “chiến lợi phẩm” bà có được là hơn 20kg ốc tươi. Số ốc này cho ra 6-7kg thịt ốc, bán được khoảng 70.000 đồng. “Tại tôi lớn tuổi nên không làm được nhiều, chứ mấy đứa thanh niên trong xóm có thể kiếm hơn 100.000 đồng mỗi ngày”, bà Nhì bộc bạch.

Cách đó mấy căn nhà, gia đình bà Dương Thị Tám đang làm ăn lớn với… ốc bươu vàng khi mở vựa thu mua ốc duy nhất ở ấp. Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Gực (chồng bà Tám) đi thu mua ốc của người dân địa phương về thuê nhân công lể lấy thịt đem bán cho các vựa cá. “Tôi thu mua ốc tươi giá 2.000 đồng/kg, thuê nhân công lể lấy thịt bán lại giá 14.000 đồng/kg, cứ vậy thu lãi khoảng 300.000 đồng/ngày”, bà Tám nói.

Con ốc bươu vàng từng là cứu cánh đối với cuộc sống gia đình bà Tám. Trước đây, gia đình này thuộc diện hộ nghèo vì chỉ có hơn 1 công đất trồng lúa. Giống như bao gia đình khác, họ đến với nghề bắt ốc bươu vàng lể thịt bán với mong muốn cuộc sống đỡ vất vả hơn, khi thấy nghề này đang phát triển rầm rộ ở địa phương nên tính chuyện mở vựa thu mua để tăng thêm đồng lời. Với lợi nhuận khoảng 300.000 đồng mỗi ngày hiện nay đã giúp cuộc sống gia đình bà Tám bước sang “trang mới”. Thành quả lớn nhất sau mấy năm tích góp là căn nhà tường kiên cố trị giá hơn 200 triệu đồng vừa được xây dựng hoàn thành vào giữa năm nay.

Không chỉ vậy, vựa thu mua ốc của gia đình bà Tám còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương, trong đó có bà Phạm Thị Sinh, ở ấp Long Trị 1, xã Tân Phú.

Năm nay 58 tuổi, không còn đủ sức lội ruộng bắt ốc bươu vàng để bán nhưng chuyện ngồi lể thịt ốc đối với bà Sinh thì không khó. Mỗi ngày, bà kiếm được khoảng 70.000 đồng khi đến làm công cho gia đình bà Tám. “Số tiền đó đủ cho tôi lo cho cuộc sống hàng ngày”, bà Sinh chia sẻ.

Trưởng ấp Tân Hòa Lê Hoàng Khả cho biết thêm, nghề bắt ốc bươu vàng lể thịt bán diễn ra trong suốt cả năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa nước nổi, bởi đây là lúc ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở vô kể. Buổi tối ra đồng sẽ thấy ánh đèn sáng rực của người dân tìm bắt ốc bươu vàng…

Nói về nghề bắt ốc bươu vàng lể thịt bán đang trở thành “phong trào” ở địa phương mình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Võ Thanh Hùng tỏ rõ sự phấn khởi: “Nghề này mang lại hiệu quả kép đó là tạo việc làm cùng nguồn thu nhập kha khá cho lao động nhàn rỗi ở địa phương và góp phần tìm diệt ốc bươu vàng để chúng không còn gây hại đến cây lúa. Quả thật, nghề này góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở xã thời gian qua”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>