Quyết tâm thoát nghèo

15/11/2017 | 09:01 GMT+7

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vượt lên khó khăn, để có cuộc sống ngày càng ổn định.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng ý chí vươn lên, chị Bé Sáu (phải) tự nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm 2017.

Vươn lên thoát nghèo bền vững

Đến ấp Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Vui hầu như ai cũng hết lời khen ngợi, bởi đức tính cần cù, siêng năng của hai vợ chồng ông. Đặc biệt hơn, gia đình đã mạnh dạn thực hiện mô hình làm ăn hiệu quả, nhờ đó, đời sống kinh tế ổn định và thoát nghèo bền vững. Đến nhà ông Vui vào buổi trưa, lúc này ông vừa đi thăm lưới về tới. Cầm mấy tay lưới, người nhễ nhại mồ hôi, ông Vui không vào nhà liền, mà bước đến những hồ ba ba kế bên nhà để xem chúng. Quệt mồ hôi trên trán, ông Vui nói: “Nhờ có tụi nó mà kinh tế gia đình tui mới ổn định và có tích lũy vốn. Vợ chồng tui “cưng” lắm, ngày nào cũng cho ăn đầy đủ, không để chúng đói bữa nào”.

Rồi ông kể về “cái duyên” đến với nghề nuôi ba ba, rồi chuyện thoát nghèo của gia đình. Ông Vui nhớ lại, hồi trước gia đình ông nghèo lắm, chỉ có 1 công ruộng, vất vả cấy cày quanh năm, nhưng  thóc lúa cũng chẳng được bao nhiêu. Vợ chồng ông không quản sớm hôm làm thuê cuốc mướn, song cái nghèo mãi bám riết. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, vợ chồng ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình. Khi thấy người cháu nuôi ba ba cho thu nhập cao, ông bà liền bàn bạc, quyết định xây hồ để nuôi thử. Sau 18 tháng thả nuôi, lứa ba ba đầu tiên cũng đến ngày xuất bán, với 300 con gia đình thu về lợi nhuận được 17 triệu đồng. Phấn khởi trước kết quả bước đầu mang lại, ông bà liền vay tiền Nhà nước, xây thêm 6 hồ nữa để thả nuôi ba ba, bình quân mỗi hồ khoảng 150 con. Trong quá trình nuôi ba ba, ông Vui thường xuyên đi bắt ốc, giăng lưới kiếm cá làm thức ăn cho ba ba, nhờ đó, nhẹ chi phí mua thức ăn, nên lợi nhuận thu được cũng cao hơn.

Không dừng lại ở việc nuôi ba ba thịt, vợ chồng ông còn nuôi ba ba sinh sản. Nhờ mô hình này, cuộc sống gia đình ông bà ngày càng phát triển và tích lũy mua thêm được 1 công đất ruộng. “Theo tôi, chỉ cần mình chịu khó, biết áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, hoàn toàn có thể thoát được cảnh nghèo. Tôi nghĩ, Nhà nước đã hỗ trợ tạo điều kiện rồi, thì mình hãy tận dụng sao cho hiệu quả. Nghèo không phải là cái tội, nhưng nếu mọi người cứ ỷ lại, dựa dẫm vào cái nghèo thì sẽ có lỗi với Nhà nước”, ông Vui bộc bạch. Gia đình ông Vui thoát nghèo vào năm 2014.

Ông Vui là một trong hàng chục ngàn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian qua. Hiện nay, nhờ sự vận động, tuyên truyền của các cấp, các ngành, địa phương, ý thức của hộ nghèo đã được nâng lên, nhiều hộ đã chủ động xin thoát nghèo, tư tưởng “muốn được nghèo” dần được hạn chế.

Ý thức của người trong cuộc

Rời nhà ông Vui, chúng tôi đến thăm gia đình chị Thị Bé Sáu, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Đầu năm 2017, gia đình chị đã tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, lúc nào chị cũng vui cười hớn hở và luôn miệng khoe năm nay vợ chồng chị hết nghèo. Khi được hỏi về lý do tự nguyện xin thoát nghèo, chị Bé Sáu tươi cười cho biết: “Nghèo có phải là danh hiệu đẹp đẽ, cao quý gì đâu mà tự hào. Mỗi lần hội họp, người ta cứ kêu nhà mình là hộ nghèo, vừa buồn vừa xấu hổ với xóm giềng nữa”.

Hoàn cảnh gia đình chị Bé Sáu rất khó khăn, không ruộng nương, nghề nghiệp, vợ chồng chị làm mướn quanh năm, song cái nghèo vẫn đeo bám. Tài sản đáng giá nhất của vợ chồng nghèo là căn nhà trống trước hở sau. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, căn nhà lụp xụp ngày nào đã được thay thế bằng căn nhà vững chãi. Dẫu điều kiện còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với anh chị được vậy là quý và mừng lắm rồi. “Tôi rất biết ơn mọi người đã đỡ đần, tạo điều kiện để gia đình tôi được an cư lạc nghiệp. Bởi thế, tôi phải cố gắng để không còn đói nghèo, không phụ lại tình cảm, sự quan tâm của mọi người”, đôi mắt chị Bé Sáu ánh lên sự lạc quan, cương quyết.

Cũng tự đăng ký thoát nghèo trong năm 2017, bà Nguyễn Thị Huệ, ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Chính quyền địa phương cấp sổ hộ nghèo cho gia đình tôi đã mấy năm nay, vì vậy, cũng được hưởng nhiều chế độ của Nhà nước. Bây giờ, dù con trai bị bệnh không lao động được, nhưng con gái và con dâu đi làm cũng có tiền xoay xở hàng ngày. Vì thế, tôi cũng xin đăng ký thoát nghèo, để nhường chế độ lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Chuyện người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo không còn là chuyện hiếm hay bất ngờ trên địa bàn tỉnh, bởi tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được thay thế bằng ý chí cố gắng lao động sản xuất, để vươn lên thoát nghèo. Để có được kết quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự trọng của hộ nghèo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>