Siết chặt vịt chạy đồng

13/04/2018 | 07:48 GMT+7

Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, cũng là lúc bước vào mùa di trú của vịt chạy đồng. Khi số lượng đàn tăng, công tác quản lý dịch bệnh cũng được lực lượng thú y các địa phương siết chặt.

Vào mùa vịt chạy đồng, công tác quản lý dịch bệnh trên toàn tỉnh càng được siết chặt.

Bước vào mùa thu hoạch lúa Đông xuân, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đàn vịt di chuyển qua lại từ các huyện. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý. Theo đánh giá từ ngành chuyên môn, trong vài năm trở lại đây, bà con chăn nuôi vịt chạy đồng có ý thức cao, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi bằng biện pháp tiêm phòng. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh, từ đầu vụ lúa, lực lượng thú y cơ sở đã phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra những đàn vịt chạy đồng trên địa bàn, nhất là đàn di chuyển từ nơi khác đến. Bên cạnh đó, kiểm tra quản lý đàn hồi hương và giám sát, tiêm phòng đối với đàn hết hạn miễn dịch.

Ông Đặng Thanh Hiền, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Tôi nuôi trên 2.000 con vịt, mùa này đưa vịt đi khắp nơi. Từ đồng trong tỉnh đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, chỗ nào có đồng thì mình chuyển đàn đi. Trước khi bước vào mùa chạy đồng, tôi tiêm phòng vịt trước. Bởi bây giờ mình dời đàn đi bất cứ chỗ nào người ta cũng kiểm dịch, phải trình báo đầy đủ giấy tờ”.

Còn ông Danh Men, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Hồi trước còn sức khỏe tôi nuôi nhiều, cao điểm nhất cũng khoảng 3.000 con, cuối vụ Đông xuân hàng năm thường dẫn đàn đi tỉnh khác. Nhưng giờ chỉ nuôi khoảng 500 con, mùa chạy đồng này mang đàn đi ăn đồng gần, cho ăn lúa đổ. Dù nuôi bao nhiêu, nhưng vừa hết miễn dịch là tôi nhờ thú y tiêm phòng bệnh cúm. Đối với mấy bệnh thông thường khác tôi cũng tiêm hết để bảo vệ đàn”.

“Địa bàn có một số tuyến đường, xã giáp ranh tỉnh bạn nên lực lượng thú y thường xuyên kiểm tra. Đối với đàn từ tỉnh bạn qua phải có tiêm phòng cúm mới được lưu trú tại địa phương, nếu không đủ điều kiện chúng tôi buộc phải trục xuất về nơi cư trú. Nếu có nhu cầu tiêm phòng thì chúng tôi vẫn hỗ trợ tiêm theo hình thức có thu phí với những đàn ngoài tỉnh. Nhìn chung, về tình hình dịch bệnh trên gia cầm từ đầu năm đến nay được kiểm soát tốt”, ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh, cho biết.

Hiện diện tích lúa Đông xuân chưa thu hoạch trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều, do vậy lượng vịt chạy đồng sẽ vẫn tiếp tục di chuyển giữa các địa phương. Thời gian lưu trú của đàn vịt ở mỗi điểm khá ngắn, các địa bàn giáp ranh rộng, địa hình sông ngòi chằng chịt nên công tác quản lý của ngành thú y còn gặp nhiều khó khăn.

Để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ngành thú y tỉnh Hậu Giang thực hiện nghiêm công tác phòng bệnh, nhất là ở địa bàn giáp ranh. Hệ thống các trạm thú y ở huyện, thị xã, thành phố và cán bộ thú y cơ sở tại xã, phường, thị trấn thường xuyên giám sát dịch bệnh và tăng cường công tác quản lý tổng đàn, biến động đàn tại địa phương. Vận động người dân tiêm phòng đối với đàn đã hết thời gian miễn dịch. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nhìn chung, đàn vịt trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng khá đầy đủ. Đối với các đàn ở tỉnh khác đến thì phải được tiêm phòng trước khi di chuyển vào tỉnh Hậu Giang, nếu không tuân thủ sẽ trục xuất khỏi địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành thú y còn được cơ quan thú y cấp trên hỗ trợ về chuyên môn, khi có dịch bệnh phát sinh ở địa bàn lân cận, thông tin sẽ được phổ biến và cập nhật một cách nhanh chóng, giúp tỉnh có biện pháp chủ động ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh một cách hiệu quả.

Những tháng đầu năm 2018, tỉnh Hậu Giang có trên 43.000 hộ chăn nuôi với trên 2,6 triệu con gia cầm, trong đó số lượng vịt trên 1,6 triệu con. Ngành thú y đã thực hiện tiêm phòng bệnh cúm cho gần 191.000 con vịt, giám sát tiêm trên 24.300 con vịt, tiêm phòng bệnh dịch tả vịt cho 51.550 con. Ngoài ra, ngành thú y cũng vừa hoàn thành xong kế hoạch thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>