Thành công và thách thức

06/11/2017 | 07:39 GMT+7

Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, công tác dân số tỉnh đang đối mặt với không ít thách thức.

Người dân đến để được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trong chiến dịch dân số ở huyện Châu Thành.

Kinh nghiệm từ địa phương đạt hạng nhất

Chiến dịch dân số năm nay xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, đạt hạng nhất huyện. Đây là kết quả từ sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị xã, trong đó có cán bộ, cộng tác viên dân số. Bà Đinh Thị Ngọc Chính, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Trạm Y tế xã Đông Phước A, nhớ lại: “Ngày thực hiện cao điểm chiến dịch ở xã, cây cầu Tư Ca, nối liền ấp Phước Hòa và ấp Tân Long đang thi công, chỉ có xe đạp và người đi bộ qua được, xe gắn máy không qua được nên đối tượng ở 6 ấp Phước Hòa, Phước Hòa A, Long Lợi, Long Lợi A, Phước Tân, Phước Lợi rất khó đến được điểm cung cấp dịch vụ ở trạm y tế. Bộ đội, công an viên và một số thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ xã đã đưa rước đối tượng từ cầu đến điểm cung cấp dịch vụ, khi đối tượng thực hiện xong đưa về”. Vất vả là thế, nhưng hoàn thành được chỉ tiêu trong chiến dịch ai cũng phấn khởi.

Theo các địa phương, sự chủ động nắm đối tượng ngay từ sớm cũng góp phần rất lớn hoàn thành tốt chỉ tiêu chiến dịch. Bà Phạm Kim Mụi, cán bộ DS-KHHGĐ, Trạm Y tế xã Phú An, huyện Châu Thành, cho biết: “Cộng tác viên dân số đã rà soát, cho đối tượng đăng ký thực hiện biện pháp tránh thai từ rất sớm. Khi diễn ra chiến dịch, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, rầm rộ trên loa truyền thanh, qua băng rôn và cộng tác viên dân số, cán bộ ấp đến từng nhà vận động. Thư mời được phát cho 600 hộ dân của xã. Dù đã phát thư mời nhưng đến ngày cao điểm mọi người cũng đi cộng đồng nhắc nhở đối tượng nên nhiều người tham gia”. Trong ngày cao điểm xã đã thực hiện đạt chỉ tiêu chiến dịch. Kết quả, tất cả các chỉ tiêu về thực hiện biện pháp tránh thai xã đều vượt so với kế hoạch.

Công tác chỉ đạo đã được thực hiện sâu sát trong chiến dịch ở huyện này. Bà Đặng Thị Đây, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ đạo trực tiếp và có mặt suốt trong các lần kiểm tra xã, thị trấn. Kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót. Kinh phí chiến dịch cũng được quan tâm đầu tư. Công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm và ưu tiên khen những cán bộ ở ấp và cộng tác viên để khích lệ mọi người nỗ lực hơn nữa trong hoạt động”. Huyện Châu Thành là địa phương có mức đầu tư kinh phí cho chiến dịch cao nhất so với các huyện, thị, thành khác trong tỉnh.

Công tác tuyên truyền trong chiến dịch cũng được thực hiện với nhiều hình thức đem lại hiệu quả cao. Ông Huỳnh Thanh Tiền, Trưởng phòng Y tế huyện Châu Thành, nói: “Nhiều hình thức truyền thông đã được thực hiện đồng loạt. Thông tin được phát trên loa truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn. Trên 120 băng rôn, pano, tờ phướn tuyên truyền được treo ở các nơi trung tâm. Nội dung tuyên truyền về thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc người cao tuổi, sàng lọc trước sinh, sơ sinh,…”.

Với nhiều kết quả nổi bật, thi đua thực hiện chiến dịch năm nay, huyện Châu Thành được xếp hạng nhất về thực hiện chiến dịch dân số và nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Thách thức công tác dân số thời gian tới là rất lớn

Bên cạnh những thành quả đáng phấn khởi đó, thì việc thiếu cộng tác viên dân số đã gây khó khăn trong hoạt động ở một số địa phương. Bà Phạm Kim Mụi, cán bộ DS-KHHGĐ, Trạm Y tế xã Phú An, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Ấp Khánh Hòa của xã có trên 400 hộ dân nhưng chỉ có 1 cộng tác viên ở ấp này nên sẽ rất khó đảm nhiệm công việc, chúng tôi đã đề nghị xin thêm cộng tác viên để chia cụm quản lý mà chưa được”. Bên cạnh việc thiếu cộng tác viên, thực trạng biến động cộng tác viên vẫn xảy ra ở một số địa phương đã gây khó khăn rất nhiều đến công tác quản lý dân số.

Tâm sự về mong ước của mình, cộng tác viên dân số Hà Bích Phượng, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, nói: “Tôi đã làm cộng tác viên hơn 10 năm rồi, nhưng trước giờ tiền thù lao cộng tác viên được cấp mà không cố định được thời gian, có khi nào thì cấp khi đó, làm việc cũng không biết chừng nào được nhận tiền thù lao. Mong muốn thời gian tới, có thể nhận được tiền thù lao hàng tháng và có quy định thời gian cấp cụ thể để có kinh phí kịp thời và an tâm hơn trong công tác”. Đây không chỉ là tâm tư của bà Phượng mà còn là nguyện vọng của hơn 1.000 cộng tác viên của tỉnh.

Theo nhận định của bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, công tác dân số hiện đang còn nhiều thách thức. Bà Hương cho biết: “Theo kết quả tổng điều tra dân số, mức sinh thay thế của tỉnh chỉ có 1,61 con/bà mẹ là rất thấp so với giới hạn cho phép là 2,1 con. Đây là nguy cơ báo động vì mức sinh thấp trong thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp, đẩy dân số già hóa nhanh hơn”. Bên cạnh đó, bà Hương cũng lo lắng vì tỷ số giới tính khi sinh đang tăng và vượt ngưỡng cho phép, đang ở mức 110 bé trai/100 bé gái.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng thách thức công tác dân số thời gian tới là rất lớn và có những chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân số trong thời gian tới: “Ngành dân số cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện có hiệu quả chính sách dân số trong tình hình mới; huy động mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt là tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp và đảm bảo mức sinh không tăng lên hoặc giảm xuống quá thấp. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh đang bước vào mức báo động, ngành dân số cần đẩy nhanh định hướng hoạt động, nhằm sớm đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cho phép”.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

- “Tỉnh ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi hiện tại là 13,1%, do đó cần tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này và xây dựng các mô hình tại địa phương thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các địa phương phải coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững, ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

 

Thực hiện chiến dịch dân số, cả tỉnh có trên 73.000 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 112%; khám sức khỏe cho gần 60.000 người cao tuổi, đạt 140%; khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 205 cặp nam nữ, đạt trên 250%; sàng lọc trước sinh đạt 100% và sàng lọc sơ sinh đạt 90% so với chỉ tiêu chiến dịch đề ra.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>