Thương tật 81% vẫn là trụ cột gia đình

10/08/2018 | 09:16 GMT+7

Thương binh 1/4 Huỳnh Công Lành, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã vượt qua mọi khó khăn, cần cù lao động, sống có ích, làm điểm tựa vững chắc cho gia đình...

Dẫu bị cụt một chân, nhưng ông Lành luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế.

Trong căn nhà ấm áp nghĩa tình, ông Lành nhớ lại, năm 1980, ông tham gia Xã đội ở xã Tân Hòa (nay là thị trấn Bảy Ngàn) đến năm 1983 ông tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 6-1985, trong trận đánh tràn vô căn cứ địch, ông đã đạp phải mìn, bị cụt chân trái và còn bị thương ở tay. Lúc đó, ông được đưa về nước điều trị tại Bệnh viện Quân y Quân khu 7. Qua giám định y khoa, tỷ lệ thương tật của ông Lành là 81%.

Khi vết thương đã lành, ông về an dưỡng tại trại thương binh nặng. Tại đây, ông đã gặp gỡ và nảy nở tình yêu với người con gái tên Thạch Thị Ngọc Hồng, cũng là vợ ông sau đó. Năm 1986, gia đình đã tổ chức lễ cưới cho vợ chồng ông. Sau đám cưới, ông vẫn ở trại thương binh nặng để an dưỡng. Khoảng năm 1987-1988, được động viên thương binh về sinh hoạt với gia đình, quê hương, ông đã trở về quê nhà. Ông Lành bộc bạch: “Mất một chân, sức khỏe cũng yếu đi, nhưng tôi nghĩ mình còn đôi bàn tay và còn sức lao động, nên cố gắng lao động sản xuất”.

Với chiếc ba lô, vài bộ quân phục bạc màu và tấm thẻ thương binh 1/4, ông Lành về quê sinh sống. Những năm đầu, cuộc sống gia đình ông rất vất vả, bởi hai người con còn nhỏ, trong khi sức khỏe ông yếu, lại thêm bị khuyết tật một chân nên chẳng ai thuê mướn ông làm công. Túng thiếu nghèo khó, nhưng với quyết tâm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Lành quyết tâm vượt lên thương tật, xây dựng cuộc sống mới. Ông Lành chia sẻ: “Thời điểm khó khăn, tôi nghĩ bom đạn chiến trường ác liệt, thương tật còn vượt qua được, chẳng lẽ giờ bó tay trước đói nghèo. Tôi quyết định tìm nghề nào phù hợp với sức khỏe của mình để làm, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Lúc đầu, ông được ưu đãi cho phép hành nghề đưa đò chèo. Sau đó phải đấu thầu đưa đò, ông không tiếp tục được, nên chuyển qua trồng nấm rơm, khi thị trường khó khăn, lãi ít, ông mở trại cưa xẻ gỗ đến nay đã trên 20 năm. Suốt ngần ấy năm lao động vất vả, đời sống kinh tế gia đình ông Lành ngày càng ổn định và phát triển. Hiện ông là chủ xưởng cưa ở thị trấn Bảy Ngàn, ngoài ra, ông còn làm thêm ở lĩnh vực vật liệu xây dựng. Bình quân mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng, đặc biệt còn tạo việc làm thường xuyên cho một vài lao động tại địa phương.

Trong cuộc sống gia đình, ông luôn giáo dục con cháu phải biết phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, cố gắng vượt khó trong cuộc sống cũng như trong học tập, để trở thành người có ích cho xã hội. Nhìn ngôi nhà kiên cố rộng rãi, cộng thêm cơ sở làm ăn của ông mới thấy được bản lĩnh, ý chí vượt khó của một thương binh, dẫu tật nguyền nhưng luôn vững vàng trên mặt trận kinh tế. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Lành luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, ông Lành là thương binh giàu nghị lực, biết khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên trong cuộc sống, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước.

Với tỷ lệ thương tật 81% và chỉ còn một chân, mỗi khi trái gió trở trời nỗi đau vết thương lại hành hạ, nhưng ông vẫn tích cực lao động, khi thì trực tiếp đi mua cây, khi thì đứng máy cưa. Ông Lành luôn tâm niệm, ông đã là người may mắn được sống và trở về với gia đình sau cuộc chiến, dẫu có mất đi một phần thân thể, vì vậy, ông phải sống tốt, có ích cho gia đình, xã hội. Có như vậy mới xứng đáng với đồng chí, đồng đội năm xưa…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>