Vui hơn nhờ làm việc có ích

05/12/2017 | 08:59 GMT+7

Nhiều người đi làm công quả tại các chùa, các tịnh xá đã nói như vậy. Với họ, được đến chùa, được làm việc có ích cho đời, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Mọi người luôn cảm thấy vui vẻ khi đến làm công quả tại các chùa, tịnh xá.

Học đạo lý làm người

Chúng tôi đến Tịnh xá Ngọc Chương vào dịp rằm tháng 10, khác với sự tĩnh mịch, yên lặng thường ngày, bên cạnh tiếng mõ, lời kinh là những tiếng nói cười giòn giã của những cụ ông, cụ bà khi đang nhanh tay gói những đòn bánh tét để chuẩn bị cho ngày rằm tại tịnh xá. Những đôi tay run run, những đôi môi mấp máy nhai trầu luôn nở nụ cười hạnh phúc. Vừa nhanh tay gói bánh, vừa kể lại chuyện vui khi mình đến chùa làm việc thiện, bà Mạc Thị Năm (78 tuổi), ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đã 30 năm nay, bà thường xuyên lui tới các chùa chiền, tịnh xá để làm việc công quả. Bà mừng vì mình vẫn còn đủ sức khỏe để có thể đến chùa. Được nghe lời kinh, tiếng kệ, được học đạo lý làm người. Tại đây được cùng làm việc có ích với mọi người bà thấy mình sống khỏe hơn và tâm thái cũng thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống náo nhiệt hiện nay”. Khuôn mặt phúc hậu như càng trở nên ấm áp hơn khi nói về những những người con của mình. Bà Năm bộc bạch: “Mới đầu đi chùa nhiều, làm nhiều việc thiện, giúp đỡ gạo, mùng, bình thủy… cho người khó khăn, thú thật các con tôi không được vui cho lắm. Tụi nhỏ thường khuyên tôi để dành tiền mua quần áo hay thích gì mua ăn cho bổ chứ của đâu giúp người ngoài. Nhưng thấy tôi thích đi chùa, thích làm việc thiện mà từ khi đi chùa tôi khỏe lên thấy rõ nên từ từ các con cũng đồng ý. Bảy người con, mỗi tháng tụi nó đều góp tiền cho tôi có cuộc sống thoải mái. Tiền các con cho tôi dành lại một ít, một ít đem đi cúng dường, mua gạo tặng người khó khăn. Thấy các con ủng hộ việc làm của mình tôi thấy rất an ủi tuổi già”. 15 năm trở lại đây, mỗi năm bà Năm tặng hơn 1 tấn gạo, hàng trăm mùng, mền, bình thủy tại nhà vào dịp rằm cho những người neo đơn, gia đình khó khăn, bệnh tật…

Công việc thiện giúp bỏ lại nỗi buồn phía sau

Cùng chung niềm vui khi mình còn sức khỏe làm được nhiều việc có ích cho đời, bà Trương Thị Điểu (60 tuổi), ở khu vực 2, phường III, thổ lộ: “Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên việc đi lễ chùa tôi cũng đi không nhiều lắm, chủ yếu là dịp rằm. Nhưng từ khi về hưu tôi dành nhiều thời gian hơn, lên tịnh xá nấu cơm cho các sư, quét dọn nơi thiền môn, được nghe tiếng kệ lời kinh cũng thấy thoải mái trong lòng. Nhờ vào đây mà tôi đã bỏ lại những nỗi buồn trong gia đình để làm việc có ích”. Chia sẻ cơ duyên vì sao gắn bó với việc làm công quả ở rất nhiều chùa, tịnh xá, bà Điểu cho biết, hồi nhỏ bà thường hay đi chùa với bà nội nên thích đến lớn luôn, vào đây mọi buồn lo trong cuộc sống hàng ngày dường như với bà được trút bỏ. Bà nói: “Chồng bỏ ba mẹ con tôi khi các con còn rất nhỏ. Một mình tôi phải bươn chải giữa cuộc đời. Nhờ vào đây tôi có thêm động lực để nuôi dạy con. Tôi biết chỉ có tình thương của gia đình mới là động lực để các con thành người tốt”. Hàng ngày, bên cạnh việc chăm lo cho gia đình, khi có thời gian rảnh là bà lại đến chùa làm công quả, rồi hôm nào thấy khỏe lại cùng các sư sãi đi cắt thuốc nam tặng cho phòng thuốc từ thiện. Với bà Điểu được làm việc có ích cho mọi người là động lực để bà sống vui, sống khỏe khi tuổi đã xế chiều.

Niềm vui của những người đi làm công quả tại các chùa, tịnh xá đó chính là vừa có một không gian yên tĩnh để tâm hồn được thoải mái, vừa là một niềm vui khi được tận mắt chứng kiến công sức của mình dành cho từng món ăn được khách thập phương đến dùng rất ngon miệng. Có rất nhiều nam, nữ thanh niên sau khi nghe thuyết pháp thì họ lại xuống phụ công việc cho nhà bếp. Vừa nhắc chảo đậu xào xuống, chị Lê Thị Mộng Thành, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tham gia làm công quả tại chùa Quốc Thanh, thổ lộ: “Công việc ở bếp nhà chùa những ngày rằm làm rất nhiều, nhưng được mọi người làm rất nhanh, rất cẩn thận và chu đáo. Tôi cảm thấy mình dễ trải lòng hơn khi đến tu tập, làm công quả tại chùa”. Công việc nặng nhọc, phải đứng trực tiếp nấu trong điều kiện nóng bức, đứng bếp suốt từ 3 giờ sáng đến 10 giờ, cả người các cô, chú ướt đẫm mồ hôi, tay luôn thục dưới nước để rửa xoong nồi, chén, đũa… vậy mà không thấy ai tỏ vẻ mệt nhọc, không một tiếng than, mà chỉ có những câu chuyện vui được kể.

Chúng tôi đã đến và thấy rằng, dù làm công việc gì, địa vị như thế nào, chuyện gia đình, tình cảm… ra sao, thì với những người làm công quả, có thể làm được việc có ích cho mọi người bằng chính sức lực của mình là một niềm vui, là động lực để mỗi người hoàn thiện bản thân mình.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>