Xua đi bạo lực, yêu thương quay về

07/12/2018 | 09:21 GMT+7

Được tuyên truyền, giải thích, nhiều người đã thay đổi về nhận thức và hành động, hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chính sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ ngày tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Bình đẳng giới và Hôn nhân gia đình xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ông T.V.U., ở xã Vị Thắng đã thay đổi nhận thức và hành động của mình, từng bước xây dựng gia đình hạnh phúc. Được biết, trước đây, hoàn cảnh khó khăn, ông U. đi làm chung với vài người và hầu như ngày nào đi làm cũng có rượu trong người. Cứ mỗi lần say xỉn về nhà, ông đều “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, dẫu biết rằng vợ ông chẳng làm điều gì sai. Mỗi lần bị đánh, vợ ông chỉ biết chịu đựng, đến khi không thể chịu nổi bà mới báo với chính quyền địa phương.

Biết được nguyên nhân gây ra bạo lực với vợ là do ông U. say xỉn, chính quyền địa phương đã quyết định tổ chức sinh hoạt CLB Bình đẳng giới và Hôn nhân gia đình của xã tại nhà ông, với mục đích tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình đến ông. Sau khi được mọi người tuyên truyền, ông mới vỡ lẽ, hiểu được thế nào là bình đẳng giới, bạo lực gia đình, rồi bắt đầu sửa đổi tính tình, tu chí làm ăn, hết lòng yêu thương vợ con. Không chỉ bỏ hẳn rượu, chí thú làm ăn, mà với những gia đình con cháu, nếu có mâu thuẫn, hoặc rượu chè, không lo làm ăn, ông U. đều đến khuyên ngăn, để mọi người nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong cuộc sống gia đình.

Cũng nhờ được tuyên truyền, giải thích mà ông N.V.Đ., ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã thay đổi. Trước đây ông Đ. hay nhậu nhẹt say xỉn, vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn, thậm chí vợ ông còn bị ông đánh. Biết chuyện, mọi người đã phân tích để ông hiểu rõ hành động như vậy là sai trái. Mỗi ngày tác động một ít, mỗi lúc nói một chuyện, chia sẻ đôi điều, nên “mưa dầm thấm đất”. Nhờ vậy, ông đã thay đổi được bản thân mình.

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đạo đức và sự phát triển bền vững của gia đình. Đồng thời, đây cũng chính là rào cản, trở ngại lớn cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 269 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 4 vụ người bị bạo lực là nạn nhân dưới 16 tuổi, trên 90% người bị bạo lực là nữ giới. Theo ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà người chồng đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người đã từng đầu gối tay ấp là do người chồng say rượu, không kiềm chế được hành động của bản thân, hoặc điều kiện kinh tế khó khăn cũng dễ dẫn đến mâu thuẫn, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế coi hành vi đánh vợ là chuyện bình thường của gia đình, nghiện rượu, cờ bạc, ghen tuông… Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng khi đa số nạn nhân bị bạo hành thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị, sợ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”…

Chính vì vậy, khi các CLB phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững… được thành lập đã giúp mọi người hiểu được như thế nào là hành vi gây ra bạo lực gia đình, hành vi nào có thể bị xử phạt, biết cách hóa giải mâu thuẫn trong gia đình, tránh tình trạng bạo lực xảy ra. Hiện nay, toàn tỉnh có 539 CLB gia đình phát triển bền vững, 539 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 110 địa chỉ tin cậy… Các CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng quý với các nội dung như xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình; lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế… Bà Dương Thị Hiệp, Chủ nhiệm CLB phòng, chống bạo lực gia đình ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Từ khi CLB thành lập đến nay, hầu hết các vụ mâu thuẫn trong gia đình đều được hòa giải thành công”. Không những thế, nhờ các buổi sinh hoạt với nội dung phong phú, đa dạng, nhận thức của nhiều cặp vợ chồng được nâng lên, nhiều gia đình duy trì được hạnh phúc, đời sống tinh thần, tránh xa bạo lực, tình cảm vợ chồng gắn kết và nuôi dạy con cái tốt hơn.

Bạo lực gia đình để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho người bị bạo lực mà còn cho người gây bạo lực, người chứng kiến bạo lực và cho xã hội. Có thể các vết thương về thể xác sẽ nhanh chóng phục hồi, nhưng những vết thương về tinh thần thì rất khó để xóa nhòa. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và duy trì hoạt động của các CLB. Cùng với đó, các thành viên trong gia đình cần chia sẻ, trò chuyện thường xuyên, đồng thời bày tỏ tâm sự của bản thân, cũng như những mâu thuẫn, bất đồng để mọi người hiểu rõ, từ đó, giải thích cụ thể rõ ràng, tránh tình trạng hiểu lầm, hạn chế tình trạng bạo lực, góp phần vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>