Chắp cánh cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long

02/11/2017 | 08:32 GMT+7

Nhằm mở lối đi cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng 13 tỉnh, thành phố trong vùng vừa tổ chức thành công Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL (MekongInvest) năm 2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng - Nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.

Vùng khóm Cầu Đúc thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, được xây dựng trở thành một trong những khu du lịch sinh thái của tỉnh Hậu Giang.

Nhiều tiềm năng

Không giống với bất cứ vùng miền nào trên lãnh thổ Việt Nam, khu vực ĐBSCL sở hữu tiềm năng du lịch đặc thù và hết sức độc đáo. Dòng sông Mekong bồi đắp phù sa màu mỡ cho ĐBSCL với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng. Với những tài nguyên và địa lý thuận lợi, những sản phẩm du lịch mang nét đặc thù riêng, mang đậm dấu ấn sông nước của vùng châu thổ, hấp dẫn bao du khách xa, gần.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 8,5 triệu lượt khách lưu trú, với tổng doanh thu đạt 15.000 tỉ đồng. Với những kết quả trên, cho thấy ngành công nghiệp không khói này đang có bước chuyển mình. Do đó, tiếp tục khai thác lợi thế từ tiềm năng du lịch khá đa dạng và độc đáo, MekongInvest 2017 tập trung giới thiệu, phân tích thị trường, đánh giá về hạ tầng, khả năng đáp ứng cho phát triển du lịch của ĐBSCL từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, bất động sản, du lịch… để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội kinh doanh và xây dựng. MekongInvest 2017 đã giới thiệu, mời gọi đầu tư 33 dự án thuộc bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỉ đồng và 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistic với tổng vốn đầu tư 150.000 tỉ đồng.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: “Chủ đề mà chúng tôi đưa ra trong diễn đàn lần này là “Thu hút đầu tư hạ tầng - Nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” nhằm nhấn mạnh vai trò mang tính quyết định của giao thông, logistic, khu công nghiệp, đô thị đối với kinh tế của vùng. Điều đó càng nhấn mạnh đến du lịch, một ngành kinh tế mà trong nhiều năm nay dù xem đó là tiềm năng nhưng chưa bao giờ được mang ra so sánh, đặt lên ngang tầm với các ngành khác như trong nông nghiệp, công nghiệp”.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch

Tiềm năng lợi thế dồi dào là vậy, tuy nhiên sau hơn một thập niên phát triển, bên cạnh những thành tựu gặt hái được, du lịch vùng ĐBSCL cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có quy hoạch đầu tư tổng thể, sản phẩm du lịch đơn điệu, có sự trùng lắp, chưa có sự liên kết phát triển giữa các địa phương… Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt (Vietcirle Travel) đã có nhiều năm khai thác du lịch ĐBSCL, nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch của du lịch ĐBSCL chính là sự đơn điệu của sản phẩm du lịch, liên kết chắp vá và chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch toàn vùng”. Ông Huê cho rằng, để hoạt động du lịch của khu vực này phát triển tốt hơn và khai thác triệt để các lợi thế về du lịch, các doanh nghiệp du lịch của vùng ĐBSCL nên gắn kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Xác định vấn đề cần được giải quyết trong Hội nghị “Thu hút đầu tư hạ tầng - Nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” là hạ tầng du lịch. Đây cũng được xem là “nút thắt” trong phát triển du lịch ĐBSCL hiện nay. Bên cạnh hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của ĐBSCL hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn quá ít. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Yếu tố tiên quyết là phải tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch (giao thông, nhà hàng, khách sạn…) mới hóa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác liên kết quảng bá xúc tiến và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thông qua việc thành lập những trung tâm đào tạo nhân lực riêng cho vùng.

Hội nghị cũng khẳng định, ĐBSCL có rất nhiều dư địa trong phát triển du lịch. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020 toàn vùng sẽ đón 34 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 25.000 tỉ đồng; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, trong đó có 6,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 111.000 tỉ đồng. “Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL hướng tới là rất lớn, nhưng với sự thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú hiện hữu, các loại hình dịch vụ này hiện nay ở ĐBSCL như mảnh đất hoang cần được khai phá để phát triển và làm giàu. Do đó, điều cần làm bây giờ là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và cơ chế chính sách phù hợp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vào ĐBSCL”, ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chia sẻ.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>