Di tích cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ

31/07/2017 | 08:15 GMT+7

Nhắc đến các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện Châu Thành, nhiều người nhớ đến Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ tại làng Phú Hữu (ấp Phú Xuân, xã Phú Hữu A), nhưng ở đây còn một khu di tích khác cũng lưu lại những chiến tích của quân và dân Cần Thơ những năm 1940: Di tích Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, một di tích lịch sử Quốc gia.

Bia tưởng niệm tại Khu di tích Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ.

Từ trung tâm thị trấn Ngã Sáu, theo Tỉnh lộ 925, qua cầu dân sinh Phú Hữu khoảng 7km là đến di tích. Di tích tọa lạc tại ấp Phú Lễ, xã Phú Tân.

Năm 1938, Liên Tỉnh ủy Cần Thơ được thành lập, đặt tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, bên bờ Nam sông Hậu. Đây cũng là địa điểm nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đầu tiên ở Cần Thơ và Tây sông Hậu. Cơ quan Liên Tỉnh ủy được đặt ở vùng trọng yếu này để lãnh đạo phong trào cách mạng của 7 tỉnh: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sa Đéc và Rạch Giá. Từ căn cứ, Liên Tỉnh ủy đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho các đảng viên và tổ chức Hội nghị Liên Tỉnh ủy mở rộng triển khai Nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ về kế hoạch chuẩn bị Khởi nghĩa Nam Kỳ cho đảng bộ các tỉnh miền Hậu Giang. Trong suốt những năm hoạt động ở đây, cơ sở cách mạng được người dân đùm bọc, chở che, để mọi người được an toàn lo việc lớn.

Năm 1938, thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào dân chủ, nơi đây là một điểm được chúng dành để mắt, ra sức tàn sát, nhưng Liên Tỉnh ủy vẫn đứng vững ở căn cứ này để chỉ đạo hoạt động, bảo tồn lực lượng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông dân đòi giảm tô, giảm tức giành thắng lợi ở vùng Hậu Giang. Năm 1939, nhân kỷ niệm 150 năm cuộc cách mạng tư sản Pháp, Liên Tỉnh ủy tổ chức mít-tinh quy mô, tập hợp hàng ngàn nhân dân, nêu cao tinh thần cách mạng Pháp, đòi tự do, bình đẳng… Sự kiện này có tiếng vang lớn và đây là tiền đề chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ vào năm 1940 nổ ra. Dù thất bại, nhưng là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của người dân nơi đây…

Vết tích chiến tranh đã không còn, nhưng khi tìm đến di tích lịch sử được đặt trên mảnh đất vốn diễn ra chiến tranh hết sức khốc liệt do bom đạn tàn phá qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nghe lại chiến tích lịch sử, thành kính trước bia tưởng niệm…, đã gợi lại cho mọi người không khí một thời hào hùng của dân tộc.

Địa danh rạch Ngã Lá gắn liền với Di tích Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ ngày nào vẫn còn nguyên vẹn và sống trong câu chuyện kể về một thời gian lao mà anh dũng, con rạch trở thành con rạch dẫn nước tưới mát cho những vườn bưởi Năm Roi sum suê. Miền đất này mấy chục năm nay là vùng đặc sản bưởi Năm Roi của tỉnh, không chỉ mang ra thị trường những quả bưởi ngon ngọt, mà những người nông dân còn nghiên cứu, tìm tòi để tạo hình cho trái bưởi, như bưởi hồ lô đơn thuần và hồ lô có chữ nổi Phúc - Lộc - Thọ, hình bản đồ Việt Nam, thỏi vàng, đồng tiền… để nó đi xa hơn, đặc biệt trở thành sản phẩm bày biện trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp tết đến, xuân về. Đến đây, du khách sẽ thấy qua bàn tay khéo léo, óc tìm tòi, sáng tạo của những nông dân, bằng một hành trình không hề dễ, đã giúp cho mặt hàng nông sản này vốn nổi danh lại càng nổi danh hơn…

Sau mấy mươi năm, trên mảnh đất đầy vết bom cày, đạn xới ngày nào giờ là vườn cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Trong câu chuyện kể của những người lớn tuổi, vẫn còn in đậm một thời hào hùng của nhân dân anh hùng, nhưng điều đọng lại sâu sắc hơn chính là những người con thế hệ hôm nay đã tiếp bước truyền thống cha ông đi trước, ra sức học tập, rèn luyện, mang những tiến bộ khoa học kỹ thuật để biến đất hoang thành những vườn cây ăn trái trĩu quả.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>