Điểm nghẽn nào “bó chân” du lịch ?

20/03/2023 | 10:34 GMT+7

Một năm kể từ ngày Việt Nam mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch cả nước đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Song hoạt động du lịch vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ sớm để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển, thu hút khách du lịch quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.

Phục hồi nhưng chưa đạt kỳ vọng

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch và là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến dịch Covid-19. Từ tháng 3-2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại và thị trường nội địa cũng nhanh chóng phục hồi, phát triển mạnh. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch năm 2022 của nước ta chỉ đạt 66% so với trước khi có dịch vào năm 2019. Hoạt động phục hồi và phát triển du lịch của nước ta được cho là “đi trước nhưng về chậm” so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch mới đây, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ: “Phát triển du lịch của nước ta hiện chưa cân xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống văn hóa lịch sử của chúng ta. Ngành du lịch của nước ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, vươn lên nên mức độ chuyên nghiệp còn hạn chế, chất lượng du lịch, sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn. Kết nối cung - cầu du lịch, giản tiện cho khách du lịch còn hạn chế. Mức độ chi tiêu của khách du lịch tăng trưởng chưa cao. Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế còn những điểm bất cập. Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác còn hạn chế, chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực hiện nay”.

Doanh nghiệp và người dân được xác định là chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực giàu chuyên môn và kinh nghiệm còn hạn chế. Liên kết du lịch giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao. Các cơ chế, chính sách phát triển du lịch còn hạn chế, chưa thực sự gợi mở để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam là mục tiêu trọng tâm của ngành du lịch nước ta trong giai đoạn tới, nhưng hoạt động này hiện đang gặp nhiều trở ngại. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines: “Cho đến nay, tất cả các hãng hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines, đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, mở thêm 2 khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh là Ấn Độ và Mỹ, mở thêm 2 đường bay. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta vẫn thấp. Vì vậy, hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 60-64%”. Thêm vào đó, một số chính sách, điều kiện cấp thị thực của nước ta hiện nay chưa thực sự thuận lợi cho khách du lịch khi chọn Việt Nam làm điểm đến.

Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu lượng khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt, gấp gần 2,3 lần so với năm 2022. Đây là một mục tiêu khá lớn trong bối cảnh hiện tại, đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch nước ta  năm nay.

Cần trợ lực gì để du lịch tăng tốc ?

Sau khi du lịch được mở cửa trở lại, Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi khá ấn tượng. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch của tỉnh đạt 11,6 triệu lượt, tăng 164,6% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt 304.000 lượt, mang lại cho tỉnh nguồn thu gần 22.600 tỉ đồng. 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch của tỉnh đã đạt trên 3,3 triệu lượt. Để có được kết quả ấn tượng đó, Quảng Ninh đã có sự đổi mới tư duy phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng và chủ động xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, tỉnh này còn tích cực chuyển hướng cơ cấu sản phẩm, hướng tới thị trường du lịch cao cấp, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững.

Tương tự tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng đang từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng du lịch của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 147 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư là 54.000 tỉ đồng. Ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Thời gian gần đây và sắp tới, chúng tôi tập trung khai thác các sản phẩm du lịch mới như du lịch khám phá thiên nhiên; du lịch văn hóa, giáo dục và khoa học; du lịch mạo hiểm; du lịch canh nông; du lịch cắm trại;... Chúng tôi trực tiếp xác định những đề án và Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch chất lượng cao”. Nhờ đó, Lâm Đồng trở thành địa phương đi trước cả nước trong việc khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới.

Từ thực tế thành công của hai địa phương trên, có thể thấy để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, nước ta cần có sự chuyển biến, thích nghi nhanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay. Để thu hút lượng lớn khách quốc tế, Việt Nam cần cung cấp những sản phẩm du lịch mà họ cần, thay vì những sản phẩm mà chúng ta đang có như hiện tại. Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã mở cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng để phát triển du lịch mua sắm; Tập đoàn BRG đầu tư phát triển du lịch golf hay Công ty Oxalis Adventure đi đầu trong việc tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm. Đó đều là những sản phẩm du lịch giàu tiềm năng, cần được tập trung khai thác để nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng cao, rất cần sự quan tâm, trợ lực của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách gợi mở và hoạt động cụ thể, thiết thực. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, kiến nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 08 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, có một số việc cần làm ngay như chuyển giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch, các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam và được thực hiện tất cả các dịch vụ du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch tổ chức văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm...”.

Bên cạnh đó, với vai trò là chủ thể trong phát triển du lịch, doanh nghiệp và người dân cũng cần quan tâm, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong hoạt động du lịch. Khai thác có hiệu quả các lợi thế sẵn có. Phát triển du lịch dựa trên cơ sở giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, vui tươi để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước. Làm cho khách du lịch quốc tế khi đến đây sẽ muốn quay trở lại nhiều lần nữa. Qua đó, giúp nước ta đạt mục tiêu thu hút 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng nhanh những năm tiếp theo.

Thống kê năm 2022, nước ta đã đón 3,5 triệu khách quốc tế, đạt 70% so với kế hoạch. Thị trường du lịch nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh. Năm 2022 lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn 1,6 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với trước khi có dịch vào năm 2019. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu lượng khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỉ đồng. Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>