Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 09

Du lịch có phát triển, nhưng chưa xứng tầm

06/06/2017 | 07:16 GMT+7

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ/TU của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bức tranh du lịch Hậu Giang có nhiều chuyển biến, khởi sắc, nhưng...

Được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp HTX từng bước phát triển thương hiệu, làm giàu cho thành viên.

Du lịch được quan tâm, xem trọng

Ngành du lịch Hậu Giang đã xác định ngoài du lịch đỏ là những khu di tích lịch sử đã được đầu tư, nâng chất khá toàn diện, sẽ tập trung phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước và du lịch nông nghiệp, từng bước hướng dẫn người dân làm du lịch. Bước đầu xây dựng 2 điểm đến thí điểm là vùng khóm Cầu Đúc ở Hỏa Tiến và du lịch nông nghiệp ở xã Vị Thanh. Ông Lê Quốc Chiến, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, một nhà vườn thích làm du lịch, đã được chọn để xây dựng mô hình thí điểm nông dân làm du lịch. Chủ vườn được hỗ trợ làm đường, xây nhà vệ sinh… gần 10 công đất trồng toàn xoài của anh giờ rất đẹp và đón khách đến tham quan, những bỡ ngỡ ban đầu đã qua, thay vào đó là cách nghĩ mới để đáp ứng nhu cầu của du khách. Anh chia sẻ, gia đình tranh thủ trồng thêm bắp, để ai đến tham quan, khi nghỉ chân có thể thưởng thức sản phẩm từ chính mảnh đất này, nếu không ngay mùa xoài. Vừa làm, vừa học hỏi, niềm yêu thích làm du lịch càng được nhân lên…

Không như anh Lê Quốc Chiến, ông Lê Minh Tâm, chủ vườn dâu cao sản Thiên Ân với trên 50 chục công dâu hơn 20 năm tuổi ở thị xã Ngã Bảy lại có ý tưởng làm du lịch và tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm các nơi để biến vườn của mình thành một điểm đến thú vị. Ông nói, có thêm khách du lịch, tăng thêm công việc, mệt hơn rất nhiều, nhưng rất vui vì mình đã giới thiệu được vườn đặc sản ra khỏi phạm vi của địa phương, góp phần tạo một điểm đến thú vị cho du khách.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, nghị quyết về du lịch ra đời là niềm vui khôn tả của những người làm du lịch. Du lịch đã thật sự được quan tâm, xem trọng. Thế nhưng, cái khó là phải làm thế nào khi mà hạ tầng du lịch thấp, đội ngũ làm du lịch chưa lành nghề và sản phẩm ở đây dù đa dạng nhưng chưa được xây dựng thành sản phẩm thực sự, kèm theo đó là nỗi lo về kinh phí…

Những khó khăn đó chưa phải là tất cả trong hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Để tháo gỡ những nút thắt của du lịch, Hậu Giang đã và đang kêu gọi mạnh đầu tư trong lĩnh vực này.

Dự án nhiều, nhưng hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện

Nhiều dự án đầu tư về du lịch được khởi động, như Khu du lịch sinh thái Việt - Úc, Khu du lịch Mùa Xuân nằm trong Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân cũng hoàn thiện và đã đón khách được gần 1 năm; dự án nâng cấp, mở rộng đường vào Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, dự án khôi phục chợ nổi Ngã Bảy… cũng dần thực hiện, tạo nên những điểm đến tạo dấu ấn riêng cho tỉnh. Hậu Giang cũng đã được chọn tham gia vào dự án phát triển hạ tầng du lịch do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ với 3 tiểu dự án với tổng vốn dự kiến trên 608 tỉ đồng. Nhìn chung, số lượng các dự án tăng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, hạ tầng du lịch vẫn chưa hoàn thiện, chưa tạo được điểm nhấn du lịch sông nước tại thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy để biến nơi này thành vùng du lịch trọng điểm… Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch ở Hậu Giang nhiều, nhưng những người làm du lịch vẫn còn khá lúng túng trong việc xây dựng và nâng chất những sản phẩm sẵn có để nó trở thành sự lựa chọn của khách du lịch…

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch mới đây, bên cạnh đánh giá sự cố gắng và nỗ lực đưa du lịch phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh còn chỉ ra rằng, ngành du lịch vẫn chưa đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chưa xác định được thế mạnh và chưa có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư cho du lịch một cách cụ thể, tạo môi trường đầu tư thân thiện, tiện ích. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết chưa có sự phối hợp chặt chẽ… Đây là những điều cần khắc phục, để cùng chung tay đưa ngành công nghiệp không khói từng bước vượt qua khó khăn, trở thành ngành mũi nhọn.

Hậu Giang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đó là cơ chế, sản phẩm du lịch dần hình thành, hạ tầng du lịch dần được đầu tư. Cùng với đó là nhiều dự án du lịch đã và đang kêu gọi đầu tư… Theo nhiều ý kiến của những người làm nghề, ngoài việc tiếp tục đầu tư, xây dựng sản phẩm, vùng du lịch, Hậu Giang cần chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm du lịch và đặc biệt là phải có đơn vị trong tỉnh có đủ trình độ chuyên môn, sáng tạo, năng động để xây dựng những tua tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh… Những điều đó sẽ cùng góp phần tạo cho bức tranh về du lịch ngày một sáng.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>