Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long: Đã khó lại thêm khó !

05/03/2020 | 19:33 GMT+7

Du lịch cả nước đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Thời điểm “ế ẩm” của ngành công nghiệp không khói hiện nay, là dịp để ĐBSCL nhìn lại định hướng và sự phát triển du lịch thời gian qua trên vùng đất Chín Rồng. Để tiếp tục trả lời câu hỏi: “Tàu bay đã có, sân bay cũng có, nhưng khi nào cất cánh ?”.

Bài 1: Có “tàu bay”, nhưng khi nào cất cánh ?

Ví von vậy để cho thấy: “tàu bay” là tài nguyên và tiềm năng du lịch đa dạng của vùng; “sân bay” là những chủ trương, nghị quyết, những cách làm du lịch được các địa phương quyết liệt triển khai, nhưng thiếu gì để “cất cánh”: Thiếu hành khách, thiếu cơ trưởng, và nhiều thứ khác... Giờ lại cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lại là thiếu 1 điều kiện nữa để cất cánh.

Khám phá ẩm thực Nam bộ qua một lễ hội ở Bạc Liêu. Ảnh: VĨNH TRÀ

Khó chồng thêm khó

Du lịch ĐBSCL chưa dứt niềm vui chung, khi Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO đánh giá là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, đã đối mặt với khủng hoảng chưa từng có do tác động của dịch Covid-19 đối với cả nước. Nhiều địa phương lượng khách sụt giảm từ 20 đến 30% thậm chí lên đến 70%. Tổng cục Thống kê dự báo, kết thúc quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 644.000 lượt, giảm 800.000 lượt so với trước khi chưa có dịch bệnh xảy ra. Tại Hội nghị ngành du lịch ứng phó với Covid-19 diễn ra tại Hà Nội mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định, thiệt hại với ngành du lịch trong 3 tháng tới rất trầm trọng, khách quốc tế có thể giảm từ 3,7 đến 4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm từ 11 đến trên 15 triệu lượt và ước tổng thiệt hại từ 2 thị trường này khoảng 5 đến 7 tỉ USD…

Giải pháp đặt ra là cần xây dựng chiến lược kích cầu sau khi dịch bệnh kết thúc, chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức lại các hoạt động xúc tiến tại các thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch nội địa; giữ gìn nhân sự của doanh nghiệp du lịch thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở kỹ thuật… Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, ngành du lịch miền Tây sẽ kích cầu ngay trong lúc còn dịch. Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Việt Nam đã chọn Cần Thơ là nơi kích cầu du lịch. Trong đó, chú ý các đơn vị lưu trú, nhà hàng và điểm đến hấp dẫn. Từ đó, mỗi nơi sẽ xây dựng những điểm đến thật sự an toàn… Tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu.

Nhìn trên bình diện chung, miền Tây sông nước có sản phẩm đặc thù, đa dạng và từng địa phương đã có những nỗ lực riêng để khai thác ngành du lịch không khói này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, sản phẩm du lịch vẫn nhàn nhạt, nên khó lòng níu chân du khách đến nhiều tỉnh, thành. Ví dụ như chỉ cần đi chợ nổi Cái Bè và các khu du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Vĩnh Long là có thể nhìn thấy được cả đồng bằng. Khi xã hội càng hiện đại, sự khôn ngoan chọn lựa một sản phẩm du lịch xứng tầm để trải nghiệm của du khách càng làm đau đầu cho các địa phương cũng như các doanh nghiệp đầu tư du lịch. Khách du lịch giờ đòi hỏi và nhu cầu rất cao.

Theo nhận định của những người làm du lịch là ĐBSCL thiếu sản phẩm đặc thù. Dù có rất nhiều sản phẩm, nhưng lại trùng lắp. Theo tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, một điều nữa là du lịch ĐBSCL thật sự chưa có “nhạc trưởng”, dù thời gian qua, Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế. Vai trò của Tổng cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết phát triển vùng nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến du lịch ĐBSCL nói riêng thông qua một số dự án hỗ trợ còn hạn chế, chưa đi đến tận cùng… Từ đó, dù có xây dựng sản phẩm du lịch cũng chỉ dừng lại ở việc hình thành, chưa khai thác sau khi dự án kết thúc, làm uổng phí công sức bỏ ra. Cùng với đó, việc đầu tư từ hạ tầng du lịch đến sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành vẫn còn chưa đồng bộ; cách làm du lịch ở các địa phương vẫn còn mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp; khai thác thứ sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn…

Không thiếu điểm đến an toàn, thú vị

Những năm qua, du lịch sông nước ĐBSCL từng bước phát huy và hòa vào dòng chảy của du lịch cả nước. Từ sự phong phú của sản vật, từng địa phương xây dựng kế hoạch phát triển, khai thác sản phẩm du lịch. Từ đó, hình thành nên một dòng sản phẩm du lịch đa dạng. Đó là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đỏ, du lịch tâm linh… Dựa vào nhu cầu của du khách, tạo điều kiện của địa phương, doanh nghiệp du lịch bắt tay vào xây dựng sản phẩm phục vụ cho du khách, hình thành nên những vùng du lịch trải dài. Điều này vừa phát huy thế mạnh của địa phương, vừa xây dựng cho người dân ý thức đam mê nghề để họ cùng bắt tay làm du lịch. Điển hình như Làng du lịch Mỹ Khánh - Phong Điền ở Cần Thơ, Làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp… Nhu cầu của du khách ngày càng được đáp ứng bằng những sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm nét văn hóa riêng của địa phương, của vùng sông nước Cửu Long.

Làng nghề truyền thống - một trong những nơi dễ níu chân và khiến du khách lưu luyến tại Hậu Giang. Ảnh: TRUNG QUÂN

Các khu du lịch sinh thái ở mỗi tỉnh, thành của vùng ĐBSCL được doanh nghiệp từng bước đầu tư, khai thác với những sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu cho từng nhóm đối tượng du lịch, như du lịch homestay ở Tiền Giang, Vĩnh Long; du lịch nghỉ dưỡng ở Kiên Giang, tâm linh, di tích lịch sử ở An Giang, Bạc Liêu; nông dân làm du lịch ở Đồng Tháp… Sản phẩm du lịch từ đó cũng càng đa dạng hơn và mỗi địa phương đều có những sản phẩm du lịch, tạo nên chuỗi sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

***

Không ai có thể phủ nhận vùng đất này có nhiều sản vật từ thiên nhiên và thời gian qua, các địa phương đã khai thác để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn cần sự chung tay, cần một “nhạc trưởng” và sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, để từng bước gỡ khó, tạo đà cho du lịch phát triển, hòa vào dòng chảy chung của cả nước…

VĨNH TRÀ

------------

Bài 2: Liên kết - Bài học cũ nhưng đắt giá

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>