Khám phá du lịch xanh ở Vị Thủy

12/06/2017 | 10:01 GMT+7

“Duyên trầu còn quấn quýt bên cau,

Trầu xanh bao nhiêu lá, tình cau thêm đậm đà”

Cứ nhắc đến trầu, cau lại thấy cảm giác êm đềm, mướt mắt, một chút quê kiểng, thanh bình và ở Hậu Giang, nói đến trầu, cau phải về huyện Vị Thủy.

Vườn trầu của bà Võ Thị Hai.

Chỉ cách thành phố Vị Thanh 10km, du khách đi từ trung tâm huyện Vị Thủy về xã Vĩnh Thuận Tây khoảng 3km là đến xã Vị Thủy. Mọi người sẽ ngạc nhiên khi ở đây lưu giữ được làng trầu có hàng trăm năm tuổi. Giờ, đã thành lập vườn trầu và ngành văn hóa địa phương đang định hướng xây dựng thành điểm du lịch, điểm nhấn riêng cho Vị Thủy. Những câu chuyện về người dân hiền lành, chơn chất, cả đời gắn với việc trồng trầu, mang đến niềm vui hạnh phúc cho mọi người, dù cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn sẽ được chia sẻ cùng với cách thức trồng, lựa và xếp trầu thành từng ốp để bán… Nghe xong những câu chuyện ấy, du khách sẽ hiểu thêm niềm đam mê lưu giữ nét văn hóa đẹp của dân tộc và đó là nhân tố chính giúp cho làng trầu này tồn tại đến hôm nay và trở thành một trong vài vườn trầu hiếm hoi còn tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những người dân sống ở đây rất thân thiện, cả đời gắn bó với vườn trầu, có người 20 năm, có người hơn 40 năm. Bà Võ Thị Hai, đã ngoài 50 tuổi, nhớ lại: “Hồi tôi nhỏ xíu, đã thấy nhà nào ở đây cũng có ít nhất vài chục nọc trầu. Đến lúc lấy chồng, hai vợ chồng bắt đầu trồng trầu. Giờ đã gầy ra được 3.000 nọc. Mỗi tháng hái 3 lần, mỗi lần trên dưới 3 thiên. Giá trầu cũng không ổn định, hiện tại lúc này giá 2.500 đồng/ốp, nhưng có lúc lên đến 10.000 đồng/ốp”. Bấp bênh nhưng những người trồng trầu vẫn bám nghề, bởi theo họ, dù giá không ổn định, nhưng tính ra vẫn khỏe, thu nhập khá hơn trồng màu, trồng lúa.

Hiện tại, các ấp của xã Vị Thủy đều có trồng trầu, nhưng nhiều nhất là ấp 5 và ấp 7. Đây cũng là nghề cho thu nhập chính của vùng quê này. Việc trồng trầu đã gắn vào máu, thịt, không đơn thuần là cần câu cơm, mà còn cùng nhau lưu giữ để lá trầu thêm vàng, thêm xanh. Có lẽ chính điều này mà vườn trầu vẫn được lưu giữ. Có lẽ vì vậy mà khi về đây, du khách dễ dàng tìm gặp và trao đổi với bất kỳ người dân nào, để biết cách trồng và chăm sóc loại cây này, bởi họ không hề giấu nghề và rất thích được chia sẻ. Anh Huỳnh Thanh Phong, ở ấp 5, xã Vị Thủy, chia sẻ: “Thấy ở đâu đó có loại hình du lịch cộng đồng, tôi thấy nếu ở đây được đầu tư, xây dựng thành điểm du lịch thì hay quá. Tôi sẽ được giới thiệu với mọi người một nghề độc đáo của quê mình”.

Có tận mắt thưởng ngoạn những vườn trầu xanh ngát, chắc chắn sẽ không thể nào quên. Có lẽ vì sức hấp dẫn độc đáo này mà nhiều văn nghệ sĩ đến đây để tìm cảm hứng sáng tác. Bài ca cổ “Lá trầu vàng” của tác giả Hoàng Bửu Hiếu ra đời từ những cảm xúc khi bà về vùng đất này…

Ngoài vườn trầu ấn tượng đó, để khám phá cuộc sống bình dị, mang vẻ đẹp làng quê ở Vị Thủy, thì con đường đẹp ở ấp 6 và ấp 7 ở xã Vị Thắng, cách huyện Vị Thủy vài kilômét là sản phẩm của những người phụ nữ đầy nhiệt quyết trong ấp, sẽ là sự lựa chọn hay nhất cho du khách. Chạy xe len lỏi trong từng con đường ở đây, mọi người sẽ cảm nhận được một nét riêng khó hòa lẫn và được thưởng ngoạn những hàng rào trải dài nhiều kilômét với nhiều kiểu khác nhau làm nên từ bàn tay của những người phụ nữ khéo léo…

T.H

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>