Tiềm năng du lịch Lung Ngọc Hoàng

27/09/2017 | 08:34 GMT+7

Với nhiều điều kiện tự nhiên hoang sơ của rừng ngập nước Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn) sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch sinh thái. Đây là một trong 7 dự án trọng tâm của tỉnh được kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh diễn ra vào ngày mai (28-9).

Đến Lung Ngọc Hoàng, du khách được ngồi vỏ lãi và ngắm nhiều cảnh vật thơ mộng nơi đây.

Thiên nhiên ưu đãi

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, có tổng diện tích trải rộng trên 2.800ha, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, khu thực nghiệm khoa học, phân khu hành chính, dịch vụ, du lịch và vùng đệm bao quanh. Hiện nơi đây là vùng đất trũng, còn hoang sơ và được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, nhờ được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt nên khu bảo tồn ít bị tổn thương, môi trường trong lành đã được thiên nhiên ưu đãi khi có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng gắn với hệ sinh thái ngập nước đặc trưng vùng đồng bằng, mang nhiều tiềm năng cho du lịch sinh thái.

Cụ thể, sau quá trình tìm tòi nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, các cánh rừng trong Lung Ngọc Hoàng có đầy đủ hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước với những quần thể rất đa dạng, trong đó có trên 330 loài thực vật, với 224 chi và 92 họ. Điển hình như các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong... và khá nhiều loài cây trên cạn như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa, bần…

Còn nói về sự phong phú của động vật, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết: Với một vùng đất ngập nước lâu đời, kết hợp với thảm rừng tràm và cây cỏ phân bổ dày đặc nên các loài lưỡng cư và tôm, cá quy tụ về đây nhiều vô kể, bởi thế người dân địa phương còn quen gọi nơi đây là “rún” cá Lung Ngọc Hoàng. Điển hình, trong lung có đầy các loài cá đồng, rắn, rùa, ếch, lươn, cúm núm... nên có nhiều loài chim sinh sống tập trung để kiếm ăn và sinh sản như: cò, le le, vạc...

Ngoài đa dạng các loài động, thực vật, đến với Lung Ngọc Hoàng, du khách còn được cán bộ của khu bảo tồn dùng vỏ lãi chở đi len lỏi trong rừng tràm, được ngắm 2 lung sen trông rất đẹp do sen nở và tỏa hương quanh năm. Đây cũng là dịp để được nghe về các hoạt động bảo tồn rừng, gắn với đó là được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ đặc sản đồng quê. Trường hợp nếu ai không sợ độ cao thì leo lên đỉnh tháp canh (cách mặt đất 25m) sẽ chiêm ngưỡng những dải rừng tràm xanh mượt được bao quanh bởi những dòng kênh uốn cong, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Cần dự án du lịch    

Mặc dù được thiên nhiên khá ưu đãi về nhiều mặt, nhưng đến nay, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa có dự án hoặc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở khu này khiến cho tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây vẫn chưa được khai thác. Theo lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng, nơi đây vẫn chưa trở thành khu du lịch sinh thái rộng rãi cho khách tham quan vì điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn. Do đó chủ yếu chỉ bảo vệ, bảo tồn hoặc phục vụ cho nghiên cứu khoa học là chính, nhưng thỉnh thoảng cũng có đoàn khách ghé qua tham quan.

Tuy nhiên, để góp phần đưa Lung Ngọc Hoàng trở thành địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh Hậu Giang cũng như trong khu vực, thời gian qua, UBND tỉnh và khu bảo tồn đã và đang thực hiện một số công trình cho ý tưởng về đầu tư phát triển du lịch sinh thái nơi đây. Theo đó, đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, nhất là chiến dịch giao thông - thủy lợi hàng năm, trước mắt khu bảo tồn đã nạo vét, thả cá tạo thức ăn để thu hút chim, cò bay về và trồng sen tại 2 lung sen rộng khoảng 4.000m2. Đồng thời, đầu tư được tuyến đường mòn bê tông rộng 1,5m, dài 5km dẫn vào để du khách đi bộ hoặc vào lung bằng xe đạp. Dọc theo hai bên đường được trồng cây ăn trái gồm mít, xoài để phục vụ nhu cầu du khách; còn con kênh nằm dọc tuyến đường sẽ phục vụ du khách đi lại bằng xuồng và các dịch vụ dưới nước khác. Về lâu dài sẽ làm những trạm nghỉ chân hai bên đường bằng gỗ tràm, lợp lá, xây dựng những tháp cây bằng gỗ tràm để du khách lên ngắm cảnh hệ sinh thái ngập nước. Cũng trong khu vực này sẽ phục dựng gác kèo ong lấy mật để du khách được trải nghiệm và mua mật ong rừng thật mang về làm quà.

 Ngoài đầu tư bước đầu của UBND tỉnh và Ban quản lý khu bảo tồn, tỉnh cũng xác định để khu bảo tồn tiếp tục có sự phát triển về du lịch hơn trong thời gian tới thì cần có nhà đầu tư. Bởi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở khu bảo tồn là ngoài gìn giữ, quảng bá thương hiệu Lung Ngọc Hoàng thì đây còn là cách giúp đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân đang sống trong khu vực này có cơ hội phát triển mạnh. Chính vì vậy, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh tới đây, dự án kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khoảng 50ha, kinh phí 15 triệu USD là một trong 7 dự án trọng tâm của tỉnh.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết thêm: Mong muốn của khu bảo tồn là nhà đầu tư sẽ xem xét mở rộng tuyến đường (rộng từ 3,5m thành 5-6m) và cầu từ cầu Xáng Bộ vào khu. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng nhằm phục vụ du lịch. Trước mắt là tiếp tục mở rộng tuyến đường bê tông rộng 1,5m, dài khoảng 10km để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và du lịch câu cá.

Không chỉ có lãnh đạo khu bảo tồn đặt nhiều kỳ vọng có nhà đầu tư đến với Lung Ngọc Hoàng trong đợt xúc tiến đầu tư lần này của tỉnh mà nhiều hộ dân cũng đang có chung mong muốn. Ông Nguyễn Văn Nguyên, hộ dân sống gần khu bảo tồn, bộc bạch: “Nếu mở ra được du lịch cộng đồng thì bà con nơi đây mừng lắm. Bởi khi đó, người dân sẽ kinh doanh thêm một số dịch vụ ăn theo như mở quán ăn, bán quà lưu niệm… nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.    

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>