Bước tiến kinh tế tập thể

17/05/2019 | 08:22 GMT+7

Lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng tăng, đó là kết luận tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mới đây.

Mô hình sản xuất tập thể đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Nâng cao chất lượng HTX

Xác định HTX là hình thức tổ chức sản xuất phù hợp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng giá trị sản phẩm, đóng góp vào GRDP của tỉnh, vì thế thời gian qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để khu vực KTTT, HTX phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực từ thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh có 190 HTX đang hoạt động với 4.466 thành viên, vốn điều lệ trên 139 tỉ đồng, trong đó 55% HTX làm dịch vụ bơm tưới, thu hoạch; 13% HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón; 15% HTX làm dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi; 17% HTX làm dịch vụ làm đất.

Bên cạnh đó, số lượng tổ hợp tác cũng phát triển nhanh với số lượng 935 tổ, trong đó số tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác là 552 tổ với hơn 12.000 thành viên có tổng vốn hơn 10,3 tỉ đồng. Nhìn chung, tổ hợp tác phát triển khá đa dạng, phong phú với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ thành viên, thực hiện chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: Về vai trò của kinh tế tập thể, HTX kiểu mới là xu hướng lựa chọn để phát triển, đặc biệt là đối với nông dân, nông thôn; là phương thức để nông dân thoát nghèo bền vững và vươn lên. Do đó, thời gian qua, ngành đã vận động các HTX ứng dụng tốt các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Khuyến khích phát triển HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để HTX phát triển bền vững.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: Khu vực KTTT, HTX được đánh giá là đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về KTTT, HTX của bộ phận người dân và cả hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực, hiểu được lợi ích hợp tác sản xuất, tham gia xây dựng HTX là phương thức sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Từ thực tiễn phát triển KTTT, HTX thời gian qua, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng chỉ ra nhiều tồn tại cần tháo gỡ. Đó là đa số HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Chỉ mới có khoảng 10% số HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân. Các mặt hàng nông sản của HTX làm ra tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo chất lượng và ổn định về số lượng do việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên cây trồng, vật nuôi còn rất ít; số lượng HTX xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều nên chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho rằng: Trình độ, năng lực của Hội đồng quản trị HTX còn yếu, vì vậy trong thời gian tới cần khuyến khích phát triển bền vững KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Nhân rộng các mô hình KTTT; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 18/7/2018 của Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn, lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hình thành các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Tăng cường các giải pháp thiết thực hỗ trợ các HTX về khoa học công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường... để triển khai theo mô hình thí điểm. Xác định rõ vị trí, công việc trong các cơ quan, tổ chức được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT để làm cơ sở xác định biên chế công chức, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách phát triển KTTT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng: Tuy số lượng HTX của tỉnh khá nhiều nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, số lượng HTX có triển vọng lớn, hoạt động hiệu quả cao còn hạn chế. Vì vậy, các ngành, địa phương cần nghiên cứu, liên kết với đối tác trong và ngoài nước để định hướng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động thúc đẩy KTTT phát triển, như ứng dụng công nghiệp 4.0 vào canh tác nông nghiệp, sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ… Đẩy mạnh công tác đào tạo, duy trì việc hỗ trợ lĩnh vực KTTT về nhân sự chất lượng cao. Bên cạnh đó, rà soát, vận dụng tối đa các chính sách, quy định thu hút nhân lực giỏi để làm việc trên lĩnh vực này, có như thế mới thúc đẩy lĩnh vực KTTT, HTX phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>