Chỉ tiêu 8 bác sĩ trên 10.000 dân có đạt ?

04/11/2016 | 08:10 GMT+7

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỉnh sẽ đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/10.000 dân. Tuy nhiên, để đạt được con số này không phải chuyện dễ dàng.

Bác sĩ Võ Thị Hoa, Phó Khoa nhi, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, là một trong những bác sĩ được thu hút từ chính sách của trung tâm này.

Thực tế những năm qua, nguồn bác sĩ của tỉnh chủ yếu là từ việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo từ nguồn y sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế của tỉnh liên thông nên rất nhỏ giọt. Để một y sĩ được học bác sĩ cần đủ điều kiện như được chọn đi học, thi đậu và cần có người làm thế nhiệm vụ của họ trong quá trình đi đào tạo. Cũng vì những khó khăn này mà nhiệm kỳ 2010-2015, chỉ tiêu 7 bác sĩ/10.000 dân chưa thực hiện được và đến nay, cả tỉnh chỉ có 6,3 bác sĩ/10.000 dân.

Nơi thiếu bác sĩ, nơi chưa cân đối

Dân số thuộc hàng cao nhất so với các huyện, thị, thành khác trong tỉnh, với gần 200.000 người, nhưng hiện nay, cả huyện Phụng Hiệp từ bác sĩ phòng y tế, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực các xã, thị trấn cộng lại chỉ có 45 người. Huyện Phụng Hiệp hiện là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân thấp của tỉnh, chỉ 2,25 bác sĩ. Theo ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp: “Để thực hiện đạt được chỉ tiêu nghị quyết đề ra sẽ rất khó khăn nếu không có những giải pháp và chính sách hợp lý. Để đạt được 8 bác sĩ/10.000 dân, cả huyện phải có 160 bác sĩ, như vậy hiện tại thiếu đến 115 bác sĩ, phải tăng thêm hơn 2,5 lần so với số hiện có. Như vậy, trung bình mỗi năm huyện cần đưa đi học 28 người. Tuy nhiên, chuyện tìm nguồn đưa đi đã khó vì không thể cho học ồ ạt sẽ không có người ở lại làm. Chưa kể đưa đi thi mà… không đậu. Những năm gần đây, mỗi năm huyện chỉ có vài người đi học bác sĩ”.

Cũng chung tình trạng với huyện Phụng Hiệp, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân của huyện Long Mỹ chỉ trên 3,8 bác sĩ. Ông Trần Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, nhận định: “Huyện mới chia tách, nhân lực còn thiếu nhiều, nhất là bác sĩ. Ngoài chuyện cử người đi học ở nhà không người thay thế, chuyện cử đi thi không đậu thì còn do biên chế không tăng nên không thể nhận bác sĩ về. Trung tâm cũng có chính sách để thu hút bác sĩ nhưng để đạt được theo nghị quyết đề ra thật sự không dễ dàng. Dù vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện”.

Huyện Châu Thành A thời điểm này nếu tính cả bác sĩ ở các bệnh viện tư đã đạt được tỷ lệ trên 8 bác sĩ/10.000 dân, tuy nhiên vẫn còn sự mất cân đối trong phân bổ nguồn lực bác sĩ. Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Châu Thành A, chỉ rõ: “Huyện có 2 bệnh viện tư nhân nên tỷ lệ bác sĩ mới đạt cao. Tuy nhiên, bác sĩ công tác trong cơ sở y tế công lập rất ít, vẫn thiếu. Nhất là tuyến xã, thị trấn, hiện tại chỉ có 4/10 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của huyện có bác sĩ làm việc. Tình trạng thiếu bác sĩ ở cơ sở công lập cần được tiếp tục đào tạo để người dân được chăm sóc sức khỏe bởi cơ sở y tế công sẽ đỡ chi phí khám, chữa bệnh và đỡ chi phí đi lại vì hai bệnh viện tư tập trung ở địa bàn gần thành phố Cần Thơ”.

Để đạt chỉ tiêu, cần chính sách hợp lý

Trong khi các địa phương khác đang khá căng thẳng với chỉ tiêu này, thì thị xã Ngã Bảy lại rất an tâm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Dự kiến đến năm 2017, thị xã sẽ đạt được 8,5 bác sĩ/10.000 dân. Hiện tại, thị xã có 49 bác sĩ, trong khi nghị quyết thị xã đề ra đến năm 2020 là 8,5 bác sĩ/10.000 dân, tương đương phải có 51 bác sĩ. Để đạt được kết quả này, chính sách thu hút nhân lực bác sĩ đã được trung tâm triển khai thực hiện từ hơn chục năm qua. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trung tâm có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên đang học năm thứ 6 chuẩn bị ra trường với 12 triệu đồng. Cộng thêm sau khi về làm năm đầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ như vậy. Chính sách này vừa giúp sinh viên có điều kiện học tập ở trường và sau khi ra trường cũng có nguồn thu nhập khá hơn. Ngoài ra, trung tâm đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ cán bộ, hàng năm cử nhiều cán bộ y tế đi đào tạo. Riêng năm 2017, dự kiến sẽ cử 16 người đi dự thi để học bác sĩ”.

Đề xuất về chính sách để có thể thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra về tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nói: “Trung tâm còn vướng vấn đề người đi học ở nhà không có người thay thế để làm. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nhân viên hợp đồng có thể linh hoạt cắt hợp đồng người này khi thi đậu, để sử dụng kinh phí tiền lương nhận người khác vào làm thay. Khi các viên chức này đi học về sẽ được ưu tiên nhận làm lại. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách thu hút bác sĩ hợp lý để bổ sung nguồn lực bác sĩ cho huyện. Điều chuyển, bố trí việc làm bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng về công tác ở đây”.

Nhằm thực hiện chỉ tiêu này, Sở Y tế đã xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực y tế đến năm 2020. Đây là cơ sở khá quyết định để giúp đạt được mục đích đề ra năm 2020. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho hay: “Trên cơ sở thực trạng nguồn nhân lực y tế đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã rà soát, xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016-2020 trình Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt đề án để ngành y tế triển khai thực hiện nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có bác sĩ. Hàng năm, các cơ sở y tế công lập cần rà soát nguồn nhân lực xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể đăng ký về Sở Y tế để đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu đào tạo đề ra. Tạo nguồn kinh phí từ nguồn thu của đơn vị để chi hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các đối tượng ngoài ngân sách tỉnh. Tiếp nhận và bố trí công tác đối với các trường hợp bác sĩ hệ chính quy đào tạo theo địa chỉ sử dụng được phân công về đơn vị. Phấn đấu đến năm 2020 đạt được chỉ tiêu đề ra”.

Qua quá trình thực hiện việc bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bác sĩ đã góp phần ổn định, phát triển, tăng cường về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực y tế có số lượng, chất lượng, cần cơ cấu và phân bố hợp lý, mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cân bằng ở các địa phương.

Tính đến thời điểm ngày 30-9-2016, nguồn nhân lực toàn ngành y tế có tổng số 3.040 người, trong đó có 457 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 6,3. Hiện có 64 bác sĩ công tác ở tuyến xã, trong đó có 53 trạm y tế có bác sĩ công tác liên tục và 11 trạm y tế xã có bác sĩ luân phiên công tác 2-3 ngày/tuần, nâng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ công tác đạt 84,2%. Giai đoạn 2016-2020, để đạt được 8 bác sĩ/10.000 dân, ngành có nhu cầu cần đào tạo bổ sung khoảng 350 bác sĩ.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>