Chương trình phát triển nhà ở: Vẫn còn nhiều khó khăn

18/11/2016 | 08:18 GMT+7

Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, hiện vẫn còn không ít vướng mắc.

Nhờ sự hỗ trợ, gia đình ông Trần Văn Linh, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, đã có căn nhà mới ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hậu Giang, chính sách về nhà ở của tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, ngoài các chương trình nhà ở do tỉnh đầu tư, còn có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế góp phần tạo ra nhiều dự án nhà ở phong phú, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố, sinh viên, công nhân lao động. Đặc biệt, sau khi Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND và Quyết định số 1828/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện đạt các chỉ tiêu về nhà ở của chương trình. Qua thống kê, báo cáo của các sở, ngành và địa phương thì 5 chỉ tiêu của Chương trình cơ bản đạt được, giúp người dân nâng cao chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống, hộ nghèo, hộ người có công, hộ sống vùng bị ngập lũ… có chỗ ở ổn định, giúp hộ an tâm sản xuất.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, sẽ phấn đấu hỗ trợ cho 5.612 hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở, hỗ trợ cho khoảng 11.758 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, đồng thời tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trước mắt, trong năm 2016 này, ngoài việc hoàn thành hỗ trợ cho 1.200 hộ người có công với cách mạng xây mới nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các địa phương tập trung thực hiện hỗ trợ cho 200 hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Phấn đấu hoàn thành xây dựng nhà thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và vùng ngập lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo đề án được duyệt, huyện Phụng Hiệp được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.861 căn. Đến nay, địa phương đã xây dựng mới 457 căn nhà cho người có công. Ông Trần Văn Linh, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, là một trong những gia đình có công đã được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở. Trò chuyện trong căn nhà mới, ông Linh phấn khởi nói: “Nhà tôi trước đây chỉ là mái tôn, 4 bề che lá, mùa mưa bão có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng cũng nhờ nguồn hỗ trợ của địa phương cùng với số tiền vay mượn của người thân trong gia đình, chúng tôi quyết định xây mới căn nhà luôn. Mặc dù cũng còn thiếu thốn nhiều lắm nhưng giờ có được căn nhà khang trang, chúng tôi phần nào cũng yên tâm lo phát triển kinh tế”.

Theo ngành chức năng tỉnh, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ người có công, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở nhưng chưa được phân bổ kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên việc huy động vốn để hỗ trợ các đối tượng này cũng hạn chế. Tiến độ thực hiện một số dự án nhà ở còn chậm, nhất là các dự án có vốn doanh nghiệp gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Đồng thời, mục đích của dự án phần lớn là mang tính kinh doanh, chưa hướng đến các đối tượng của nhà ở xã hội, do vậy cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người có thu nhập thấp, công nhân… còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo lập một nơi ở ổn định. Mặt khác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tỉnh chưa đồng bộ nên quá trình kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhà ở, xây dựng hạ tầng các khu dân cư còn trở ngại, các doanh nghiệp còn ngán ngại khi tham gia đầu tư.

Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang, cho biết: Để đạt được các chỉ tiêu về nhà ở đến năm 2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh thì trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các đề án, chương trình phát triển nhà ở của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, trên cơ sở đó các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn mình quản lý để chủ động trong công tác phát triển nhà ở, cũng như kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở nhằm đạt các chỉ tiêu về nhà ở. Các sở, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo cần chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và các dự án phát triển nhà ở theo quy định để thông qua đó khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nhà ở (về cơ chế, chính sách, thủ tục, đất đai, thuế...), nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, sửa chữa các căn nhà đã xuống cấp bằng nhiều nguồn lực nhằm đảm bảo chất lượng nhà ở, đồng thời tranh thủ mọi nguồn vận động để chăm lo nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc và cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn về nhà ở.

Theo định hướng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn tỉnh từ 23-25m2 sàn/người, trong đó nhà ở tại đô thị bình quân đạt 27-29m2 sàn/người, nhà ở tại nông thôn bình quân đạt 19-22m2 sàn/người. Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu thực hiện xong việc hỗ trợ về nhà ở cho các gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng hộ nghèo, khó khăn về nhà ở; đồng thời tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>