Chuyển biến từ nghị quyết

11/05/2018 | 08:59 GMT+7

Hơn 5 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của huyện Phụng Hiệp có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó cũng là thành quả gặt hái được sau khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mô hình chăn nuôi bò thịt bán chăn thả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học đã từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định vai trò khoa học và công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và trong từng ngành, phục vụ đa mục tiêu: xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ đề ra.

Đặc biệt, trên lĩnh vực chuyển giao khoa học công nghệ, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các dự án ứng dụng KH&CN, nhất là tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN; các mô hình thâm canh, luân canh cây nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác giảng dạy, khuyến khích tài năng tin học trẻ… Song song đó, huyện cũng chú trọng ưu tiên ứng dụng mô hình bảo vệ môi trường với quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện của huyện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Cụ thể là trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện 7 mô hình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trên lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi như: Dự án nuôi bồ câu gà sinh sản, nuôi bò thịt bán chăn thả, ứng dụng quy trình kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi ngỗng quy mô hộ gia đình, xây dựng mô hình trồng thâm canh chuối cấy mô, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng chanh không hạt cho nông dân, xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện... Những chuyển giao này đã giúp nông dân phát triển được mô hình kinh tế nông nghiệp. Theo đánh giá của ông Lê Thanh Tự, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, mô hình trồng quýt đường của gia đình ông phát triển tốt là nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, vườn quýt nhà ông nâng cao được năng suất, kéo dài tuổi thọ cây, cải tạo đất phèn.

Trên lĩnh vực công nghiệp, nhiều ứng dụng khoa học cũng được huyện vận dụng, phát huy hiệu quả không kém. Các phòng chức năng của huyện đã đẩy mạnh phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề, các đề án hỗ trợ chuyển đổi máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Còn nhớ năm 2014, qua lớp xỏ hạt chuỗi, hạt cườm mà huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã giúp cho hơn 100 chị em phụ nữ nông thôn có thêm nghề phụ tăng thu nhập cho gia đình. Đến năm 2015, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh nghiệm thu đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền làm bánh mì” cho 1 hộ sản xuất bánh mì, 1 cơ sở sản xuất bún, 1 cơ sở xay xát gạo và DNTN xay xát gạo với số tiền từ 80-90 triệu đồng/cơ sở. Bà Trương Thư Quí, chủ cơ sở bánh mì ở thị trấn Kinh Cùng, nhận xét: Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nên cơ sở đã gia tăng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương”.

Theo ông Trần Trung Nhiệm, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, để tiếp tục thực hiện thành công các nghị quyết và đưa ứng dụng tiên tiến đến gần người dân hơn, là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, phòng sẽ tăng cường tranh thủ sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp ủy đảng và sự quản lý của chính quyền đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra, nâng cao chất lượng của Hội đồng khoa học cấp huyện, thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản, cơ chế chính sách của Nhà nước về KHCN tới các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân. Tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào trong đời sống, sản xuất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện có điều kiện, năng lực nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN có tính thực tiễn; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN. Song song đó, phát động phong trào quần chúng để cả cộng đồng phát huy sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật. Từ đó, kịp thời phát hiện các sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật, mô hình tốt để hỗ trợ đầu tư, phổ biến, nhân rộng.

Theo đánh giá của ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, huyện Phụng Hiệp là đơn vị thực hiện nhiệm vụ khá tốt hàng năm, thường được xếp vào tốp 3 xét thi đua về hoạt động khoa học công nghệ địa phương. Thành công này phần lớn là do sự quan tâm của lãnh đạo huyện về ưu tiên đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ quản lý của cán bộ khoa học địa phương cao và nhiệt huyết. Chính vì vậy, mà người dân địa phương đã được thừa hưởng nhiều thành quả khoa học, ứng dụng đem lại kết quả tốt trên mô hình sản xuất của mình và phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>