Hướng mở xây dựng xã hội học tập

17/06/2016 | 06:13 GMT+7

Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2020” (đề án) của Chính phủ, được xem là hướng mở xây dựng xã hội học tập, phục vụ học tập tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Nền tảng để thư viện công cộng phát triển

Với nhiều học sinh của các trường THPT và người dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh, Thư viện tỉnh nằm bên một góc Khu văn hóa Hồ Sen là nơi quen thuộc. Tuy nhiên, dù ở vị trí đẹp, nhưng ai cũng công nhận là cơ sở vật chất nơi đây còn khá khiêm tốn.

Xây dựng và phát huy hệ thống thư viện cơ sở là cách đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời…

Từ khi chia tách tỉnh Hậu Giang đến nay, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hậu Giang luôn khắc phục khó khăn để từng bước phục vụ bạn đọc. Cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, vốn sách ít, bạn đọc chưa quan tâm nhiều đến văn hóa đọc… là những điều làm cho công tác phục vụ bạn đọc thêm khó. Nhưng không vì thế mà ngành lùi bước. Càng khó, ngành càng có nhiều sáng tạo. Từng lúc, từng nơi hệ thống thư viện công cộng đã phát huy chất lượng phục vụ, thu hút độc giả ngày càng đông. Tất cả đều cùng mục tiêu gầy dựng và tạo thói quen đọc trong dân.

Nền tảng đã xây dựng từ những năm qua chính là điều kiện để Thư viện tỉnh thực hiện hiệu quả đề án này. Tuy nhiên, tất cả sự cố gắng và những con số, tỷ lệ % về thu hút bạn đọc, cơ sở vật chất cho thư viện công cộng vẫn còn khá khiêm tốn. Bởi vậy, đề án và kế hoạch thực hiện đề án được ban hành là cơ hội để hệ thống thư viện phát triển mạnh hơn. Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với Thư viện tỉnh là đầu tư xây dựng trụ sở thư viện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị chuyên dùng…; bổ sung sách bình quân 4.000 bản/năm; duy trì nâng cấp trang thông tin điện tử của thư viện tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất để bạn đọc truy cập thông tin; hoàn chỉnh kho tài liệu để việc tra cứu của bạn đọc được thuận tiện…

Tất cả cùng hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân và phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 30% người dân sử dụng dịch vụ thư viện công. Đối với thư viện tuyến huyện, phải được tách thành một thiết chế độc lập, có chỗ ngồi phục vụ khoảng 100 bạn đọc; bổ sung sách 500 bản/năm, 100% thư viện tuyến huyện cung cấp dịch vụ truy nhập internet miễn phí… Đối với thư viện cấp xã, phải đạt 100% xã, phường, thị trấn có thư viện và 50% trong số ngày có dịch vụ internet miễn phí…

Nâng chất đời sống văn hóa cho người dân

Thành lập gần 2 năm nay, với hơn 20 thành viên, Câu lạc bộ (CLB) Hoa Anh Đào, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, thu hút những phụ nữ lớn tuổi, tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi trồng hoa trên các tuyến lộ và thay phiên nhau cắt tỉa, tạo nên những con đường hoa đẹp mắt. Giờ, tuyến đường của các cô dài hơn 2km và đang ngày càng được nối dài. Cô Trương Thị Đào, Chủ nhiệm CLB Hoa Anh Đào, cho biết: “Không chỉ trồng hoa làm đẹp làng quê, mà trong những lúc đi cắt tỉa đó, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc gia đình, cách dạy con để học tập lẫn nhau. Việc trồng hoa được duy trì gần như hàng tuần đã tạo thói quen, là nơi để chị em gặp gỡ, chia sẻ…”.

Phát huy những mô hình trong dân, xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, củng cố hệ thống CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương, để giúp người dân tiếp cận với nhiều thông tin mới là mục đích mà đề án này hướng tới. Thuận lợi khi thực hiện đề án của tỉnh là có hệ thống thiết chế văn hóa đang ngày một kiện toàn. Tính riêng hệ thống nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn là 64, chiếm tỷ lệ 84%, mỗi ấp có nhà văn hóa, nhà thông tin và có ít nhất 1 CLB đờn ca tài tử, chỉ còn đơn vị cấp xã, phường, thị trấn chưa có thư viện…

Đề án được triển khai, với những kế hoạch sát tình hình thực tế, cũng là cơ sở để bảo tàng “thân thiện” và gần gũi hơn với công chúng. Đề án cũng đưa ra chỉ tiêu là hệ thống bảo tàng sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ việc xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, phục vụ trưng bày tại chỗ, lưu động; tổ chức học tập về lịch sử, di sản văn hóa của địa phương ngay tại bảo tàng và các khu di tích. Có 100% huyện, thị, thành có nhà truyền thống và phấn đấu 50% cơ quan, ban ngành cấp tỉnh có phòng truyền thống.

Tuy nhiên, những chỉ tiêu đặt ra quả không phải dễ thực hiện. Bà Võ Thị Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Để thực hiện tốt đề án này còn có sự phối kết một cách nhịp nhàng, bài bản giữa thư viện, bảo tàng, hệ thống trung tâm văn hóa cùng với ngành giáo dục. Nếu được tạo điều kiện để đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh sớm hơn, thì việc triển khai này sẽ còn hiệu quả hơn nữa. Bởi khi đó, việc phát huy văn hóa đọc sẽ được thực hiện đa dạng và phong phú hơn. Trong khi, đến năm 2020, Thư viện tỉnh vẫn chưa được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Đây là khó khăn chung, nhưng với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ uyển chuyển, tận dụng cơ sở hiện có để từng bước triển khai”.

Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 30% dân sử dụng dịch vụ thư viện công (hiện chưa tới 10%), 50% thư viện xã, phường, thị trấn có truy nhập internet (hiện chỉ có 7 thư viện xã có truy nhập internet)... Đây là một trong những điều khó khăn cơ bản khi thực hiện đề án ở tỉnh. Tuy nhiên, với việc khẳng định “Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” phù hợp với đặc điểm địa phương và con người Hậu Giang, như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, chính là cơ hội để đề án được triển khai hiệu quả…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>