Khó giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em

21/04/2017 | 08:36 GMT+7

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ thật sự không dễ dàng, vậy nên chỉ tiêu giảm tỷ lệ dưới 11% trẻ suy dinh dưỡng cân nặng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 thật sự không dễ dàng !

Bé Quân (phải) đã không còn bị suy dinh dưỡng như trước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ em, trong đó phổ biến là do việc nuôi dưỡng chưa cung cấp đầy đủ chất cho trẻ, các bậc phụ huynh đôi khi hiểu biết chưa đầy đủ về kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ, do trẻ mắc bệnh,...

Từ dự án Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho trẻ

Bé Võ Thành Quân, hơn 2 tuổi, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, là một trong những trẻ được cung cấp gói đa vi chất để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cân nặng của dự án Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp tại Hậu Giang do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ và Viện Dinh dưỡng tiếp nhận triển khai. Đến nay, bé Quân đã cải thiện được cân nặng đạt 11kg, không còn bị suy dinh dưỡng cân nặng như trước, gia đình rất mừng. Anh Võ Thành Long, cha của bé Quân, cho biết: “Được Trạm Y tế xã Vị Đông cấp gói vi chất dinh dưỡng cho cháu ăn mấy tháng liền thấy cháu tăng cân hơn trước. Ngoài việc cho cháu ăn theo chế độ ăn thường ngày, gia đình gửi bột này nhờ các cô giáo cho cháu ăn giúp ở trường và về nhà mẹ cháu cũng cho cháu ăn. Khoảng 4 tháng được cấp đa vi chất dinh dưỡng, cháu tăng cân hơn 1kg”. Bé Quân giờ đã bụ bẫm hơn trước, đó cũng là nhờ có sự hỗ trợ từ dự án, phối hợp giữa ngành y tế, nhà trường và gia đình.

Thực tế từ dự án này đã giúp được trẻ suy dinh dưỡng như bé Quân không còn bị suy dinh dưỡng, nhưng không phải tất cả những trẻ được cấp đa vi chất từ dự án này đều đạt kết quả như mong muốn. Bà Nguyễn Thị Sắt, cán bộ chương trình dinh dưỡng Trạm Y tế xã Vị Đông, cho hay: “Thực hiện dự án có 21 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính được cấp đa vi chất, nhưng có một số trẻ không thích ăn thức ăn này nên tình trạng vẫn chưa được cải thiện tốt, trẻ ăn một vài lần rồi không ăn được nữa. Ngoài ra, có 311 trẻ từ 6-23 tháng tuổi được cấp gói đa vi chất và 66 phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú của xã được cấp viên đa vi chất để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ cả trong bào thai và trẻ dưới 2 tuổi”.

Cùng chung nhận định này, ông Phan Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, khẳng định: “Thực hiện dự án, gia đình nào cố gắng cho trẻ duy trì ăn bột đa vi chất tốt thì trẻ sẽ tăng cân. Qua khảo sát ở một số xã thực hiện dự án, vẫn có trẻ không ăn được các gói vi chất dinh dưỡng sau khi được cấp”.

 Dự án này được thực hiện đã cấp gói đa vi chất trong thời gian 4 tháng (từ tháng 10-2016 đến cuối tháng 2-2017) cho gần 16.700 phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trên 13.000 trẻ từ 6-23 tháng tuổi, 1.441 trẻ dưới 5 tuổi tại 52 xã thuộc 5 huyện của tỉnh. Dù không thể khẳng định 100% trẻ được tiếp cận dự án không còn bị suy dinh dưỡng nhưng dự án có tác động nhất định, giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của những trẻ này.

Gian nan để giảm tỷ lệ dưới 11%

Hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em luôn được quan tâm thực hiện và duy trì hàng năm, tuy nhiên, những năm gần đây do điều kiện kinh phí từ cắt giảm nên phần nào hạn chế trong hoạt động. Ông Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Dù khó khăn về kinh phí nhưng chúng tôi vẫn duy trì tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng nhằm hướng dẫn người dân kiến thức để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó, hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng trong thai kỳ, cách cho con bú, cho con ăn giặm, theo dõi biểu đồ tăng trưởng,… Thực hiện cân, đo cho trẻ bị suy dinh dưỡng hàng tháng để theo dõi, đối với trẻ không bị suy dinh dưỡng dưới 2 tuổi thì thực hiện định kỳ 3 tháng một lần, trẻ từ 2-5 tuổi cân 1-2 lần/năm để theo dõi. Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống vitamin A một lần”. Hàng năm, tỉnh đều thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng. Năm 2016, chỉ tiêu giao giảm còn 12,3% cũng đạt được. Năm 2017, chỉ tiêu HĐND giao là 12,1% chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đạt.

Không chỉ có ngành y tế mà hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng của trẻ còn được quan tâm thực hiện ở các trường học mầm non, mẫu giáo. Cô Huỳnh Mỹ An, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Đầu năm học tất cả các trẻ đều được cân, đo để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng. Đầu năm học này, trường có 18 trẻ suy dinh dưỡng cân nặng. Ngoài chế độ dinh dưỡng ở trường, chúng tôi còn vận động phụ huynh các bé bị suy dinh dưỡng tăng cường cho trẻ uống sữa sau bữa ăn để cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5 trẻ suy dinh dưỡng cân nặng”.

Theo ông Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: “Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi cải thiện đã khó và để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi còn khó khăn hơn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn đến 25,4% trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Thêm vào đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ luôn thay đổi, đôi khi trẻ bệnh hay vì thiếu dinh dưỡng có thể sẽ sụt cân, đứng cân dẫn đến suy dinh dưỡng”. Những năm qua, trung bình hàng năm chỉ giảm 0,1-0,2% trẻ suy dinh dưỡng cân nặng, trong khi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đến năm 2020 giảm còn dưới 11% là rất gian nan để đạt được”.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần có những hoạt động tích cực, kịp thời để nâng cao nhận thức các gia đình về cách phòng, chống suy dinh dưỡng cho con của họ và cần có những dự án cung cấp đa vi chất như dự án trên. Bên cạnh đó, có sự phối hợp của nhiều sở, ngành, gia đình, xã hội mới có thể thực hiện được chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>