Nâng cao vị thế của phụ nữ

22/09/2017 | 06:16 GMT+7

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vị thế, vai trò của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội.

Có được việc làm tại nhà nên kinh tế gia đình bà Nhỏ ngày càng ổn định.

Có dịp đến xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chúng tôi được tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Út, Trưởng ấp 8, đây là nữ trưởng ấp duy nhất trong số 7 ấp của xã. Với phong thái hoạt bát, gần gũi, bà Út đã tạo được thiện cảm với chúng tôi ngay lần gặp đầu.

Cách nay khoảng 5 năm, cũng như bao phụ nữ khác trong ấp, bà Út chỉ được biết đến với vai trò người mẹ, người vợ sớm hôm với công việc nội trợ, chăm sóc chồng, con. Với bản tính thích học hỏi cộng với sự năng động, nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương, từ hội viên phụ nữ ấp, bà Út được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xã và chị em hội viên ấp tín nhiệm chọn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Trong quá trình công tác, bà Út luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sau hơn một năm công tác, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến năm 2015, bà được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng ấp.

Bà Nguyễn Thị Út bộc bạch: “Lúc đầu mới tham gia công tác tôi rất bỡ ngỡ, chưa hình dung được công việc mình cần làm, chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến ở những cuộc họp. Tuy nhiên, từ sự động viên, khích lệ của mọi người, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên nên tôi từng bước phấn đấu vượt qua trở ngại để làm tròn nhiệm vụ được giao”.

Giờ đây, đã có hơn 2 năm làm trưởng ấp, đối với bà, việc thực hiện nhiệm vụ càng trở nên thuận lợi. Bà cũng cùng với Ban dân chánh ấp phát huy sức mạnh đoàn kết, vận động, tập hợp nhân dân tích cực thi đua sản xuất, tham gia thực hiện các phong trào do xã đề ra. Đến thời điểm này, ấp 8 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu năm 2017 theo tiến độ. 

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam huyện Vị Thủy rất chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp phụ nữ huyện nhà nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, phong trào mang tính trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống, vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, các cấp hội ở huyện đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền những vấn đề liên quan mật thiết với phụ nữ, triển khai hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về giới,… giúp chị em ngày càng phát huy tính tự trọng, tự chủ, làm tốt vai trò vun đắp hạnh phúc gia đình; thường xuyên tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Như Kiều, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam huyện Vị Thủy, để góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế, các cấp hội ở huyện tập trung triển khai có hiệu quả các phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc… Hội chú trọng khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay để sản xuất, kinh doanh; phối hợp với ngành tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở lớp đào tạo nghề để hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập.    

Cũng nhờ các cấp hội tạo điều kiện cho học nghề mà nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Bảy Nhỏ, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 8, xã Vị Thắng, có được công việc ổn định tại nhà. Sau khi tham gia lớp học chằm nón lá, hiện bà Nhỏ đã trở thành người thợ lành nghề được nhiều người trong và ngoài ấp biết đến. Ngoài nội trợ, hàng ngày bà đã tận dụng thời gian rảnh để chằm nón kiếm thêm thu nhập; bà còn tự mày mò học ở người quen thêm nghề bó chổi. Với những công việc đó, bình quân thu nhập mỗi ngày của bà từ 100.000-150.000 đồng.

“Những nghề như chằm nón, bó chổi hay đan lục bình chủ yếu mình lấy công làm lời nên thu nhập không quá cao, nhưng được cái là làm tại nhà nên phụ nữ chúng tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Các nghề này không đòi hỏi vốn nhiều, chủ yếu là mình thạo việc sẽ tăng được năng suất lao động, thu nhập sẽ tăng. Một khi phụ nữ có công việc ổn định, thu nhập tăng thì vai trò, vị thế sẽ được nâng lên”, bà Nhỏ chia sẻ.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Hậu Giang đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ tỉnh nhà trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Đặc biệt, số lượng nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng hàng năm. Các chỉ tiêu thực hiện chính sách về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe đạt nhiều kết quả; kỹ năng nghề nghiệp, trình độ của phụ nữ được nâng cao; sức khỏe phụ nữ, trẻ em cũng được quan tâm đúng mức, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>