Nền tảng cho chất lượng cải cách hành chính

19/05/2016 | 19:26 GMT+7

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả chính là nền tảng quan trọng để thực hiện có chất lượng công tác cải cách hành chính (CCHC). Dù còn gặp những khó khăn về kinh phí, nhưng ứng dụng CNTT vào hoạt động CCHC của tỉnh thời gian qua đã có những điểm nhấn đẹp.

Tại Sở TT&TT tỉnh, 100% thủ tục hành chính được cung cấp bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Tịnh, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh, muốn kinh doanh dịch vụ internet, nhưng nghe bạn bè nói là làm thủ tục khó, phải đi lại nhiều lần nên cũng thấy hơi ngại. Đến đầu năm nay, tình cờ truy cập vào trang web của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Hậu Giang, khi đó anh mới biết là mọi chuyện dễ dàng hơn anh nghĩ nhiều, có thể nộp hồ sơ trực tuyến luôn. Anh Tịnh bộc bạch: “Quá tiện lợi, mình chỉ cần vô một cửa điện tử của Sở TT&TT tỉnh là có hết. Có hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ trực tuyến, việc đăng ký rất dễ dàng, có sẵn thêm các quy định để chúng ta đọc cho hiểu thêm việc kinh doanh internet công cộng luôn. Nói chung là tôi thấy rất tiện lợi cho ai muốn đăng ký kinh doanh lĩnh vực này”.

Tại một cửa điện tử của Sở TT&TT, 6 lĩnh vực liên quan đến báo chí; bưu chính và chuyển phát; khiếu nại - tố cáo; phát thanh - truyền hình; viễn thông và internet; xuất bản, với 23 thủ tục hành chính đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đây là đơn vị duy nhất của tỉnh có 100% hồ sơ được cung cấp bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Thanh Tâm cho biết, Sở chỉ tận dụng hạ tầng CNTT sẵn có để thực hiện, chứ không được cấp kinh phí để thực hiện. Trong khi tại nhiều đơn vị khác, muốn làm được như thế phải tốn không ít tiền, có thể là vài tỉ đồng...

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, người sử dụng sẽ điền và gửi trực tuyến các văn bản mẫu đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, có thể thanh toán lệ phí trực tuyến, việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Nghĩa là chỉ với máy tính có kết nối mạng, người dân và doanh nghiệp có thể ngồi tại nhà và giao dịch, theo dõi hồ sơ của mình. Ngoài Sở TT&TT, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh cũng là đơn vị tiêu biểu của tỉnh khi công bố được nhiều dịch vụ công trực tuyến của một cửa điện tử.

Những điểm nhấn có thể kể đến trong ứng dụng CNTT thời gian qua là một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, các cổng, trang tin điện tử hoạt động hiệu quả, các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý văn bản đều được đưa vào sử dụng. Thực tế cho thấy, CNTT chính là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện có hiệu quả, đạt chất lượng và đột phá mạnh mẽ cho công tác CCHC.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đã khẳng định trong Nghị quyết là những yếu kém, bất cập của nhiệm kỳ 2010-2015 có nguyên nhân từ CCHC chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; khoa học và công nghệ phát triển chưa mạnh và phát triển khoa học, công nghệ là một trong 12 giải pháp của nhiệm kỳ mới.

Để cụ thể hóa những nội dung trên, UBND tỉnh có Chương trình CCHC, xây dựng hệ thống chính quyền và phòng chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, đã dành những mục tiêu lớn liên quan đến ứng dụng CNTT. Chương trình đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, việc ứng dụng CNTT - truyền thông trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt được mục tiêu: 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính với người dân của tỉnh được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Từ đây, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo như Chương trình CCHC của UBND tỉnh. Cụ thể là Kế hoạch thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang định hướng đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Cũng theo các kế hoạch trên, tỉnh sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở nhu cầu thực tế sẽ phấn đấu đến năm 2020, triển khai 15% (khoảng 360 thủ tục) số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên, 50% hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sẽ được nhận qua mạng… Đây cũng là từng bước thực hiện tiến trình Chính phủ điện tử như quy định của Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã yêu cầu phải cải thiện thứ hạng CCHC của tỉnh, cố gắng đạt hạng 5, 6 so với 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016. Như vậy, năm nay với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh thì CCHC nhiều kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn hơn và ứng dụng CNTT cũng hy vọng sẽ được đặt đúng vị trí.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Thanh Tâm, nếu có thêm kinh phí để đầu tư cho ứng dụng CNTT, thì thứ hạng CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ có sự cải thiện và xếp thứ hạng ổn định hơn trong bảng xếp hạng toàn quốc hàng năm được công bố.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>