Quyết liệt tăng trưởng khu vực I

01/03/2019 | 08:35 GMT+7

Nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I là 2,5% vào cuối năm nay theo chỉ tiêu kinh tế - xã hội của UBND tỉnh giao đầu năm, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thế nhưng, vẫn còn những thách thức không nhỏ đặt ra trong thời gian tới.

Tăng diện tích nuôi và sản lượng cá tra là một trong 3 mục tiêu đột phá của ngành nông nghiệp trong năm 2019 nhằm vực dậy khu vực I.

Kết quả ấn tượng ban đầu

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Khu vực I thuộc về lĩnh vực nông nghiệp và xác định để đạt chỉ tiêu GRDP 2,5% vào cuối năm là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Bởi chỉ tiêu này trong năm 2016 chỉ đạt 0,86%, năm 2017 là 2,58% và năm vừa qua là 2,23%. Do đó, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch về thực hiện các chỉ tiêu chung cho toàn ngành, đồng thời phân chỉ tiêu riêng cho từng đơn vị trực thuộc sở. Sau khi kế hoạch được thông qua, toàn ngành nông nghiệp đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ và bước đầu đã gặt hái được những kết quả ấn tượng.

Một trong những lĩnh vực nổi bật của ngành trong 2 tháng đầu năm 2019 là tình hình sản xuất vụ lúa Đông xuân 2018-2019. Theo đó, vụ lúa này, toàn tỉnh xuống giống được 78.418ha, đạt 101,6% kế hoạch, tăng gần 501ha so với cùng kỳ. Ngoài diện tích tăng, một điều phấn khởi khác của vụ lúa Đông xuân năm nay là việc người dân ngày càng sử dụng các giống lúa có phẩm chất gạo tốt và thị trường xuất khẩu ưa chuộng để canh tác. Cụ thể, giống lúa RVT chiếm 22% (năm trước 12%), Đài Thơm 8 chiếm 11,8% (năm trước 7,7%), ST 24 chiếm 5% (năm trước diện tích ít), OM 5451 chiếm 44% (năm trước 53%), riêng giống lúa có phẩm chất gạo thấp là IR 50404 chỉ chiếm 8% (năm trước 10%)...

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho hay: Đây là năm đầu tiên người dân trên địa bàn thị xã gieo sạ giống lúa ST24 chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 30% trong tổng số gần 10.000ha lúa Đông xuân của thị xã đã xuống giống. Ngoài diện tích nhiều, cộng với giá bao tiêu của doanh nghiệp ở mức cao (từ 7.000-7.200 đồng/kg) đã đặt ra nhiều kỳ vọng cho nông dân về nguồn lợi nhuận hấp dẫn sau gần 3 tháng bám đồng ruộng.

Cùng với cây lúa, lĩnh vực thủy sản trong những tháng đầu năm cũng có nhiều tín hiệu vui. Theo đó, tổng diện tích nuôi thủy sản hiện đạt 456ha, tăng 90% so với cùng kỳ, ước sản lượng đạt 2.848 tấn, tăng 63% so với cùng kỳ. Điều phấn khởi nhất là tình hình giá của các mặt hàng thủy sản ổn định ở mức cao, đặc biệt là giá cá tra nên giúp người nuôi có nguồn lợi nhuận lớn và có điều kiện tái nuôi sau khi thu hoạch, từ đó diện tích nuôi thủy sản đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, diện tích trồng rau màu cũng đạt 6.599ha, tăng 499ha so với cùng kỳ; diện tích cây ăn trái đạt 38.140ha, tăng 196ha so với cùng kỳ; chăn nuôi gia súc, gia cầm có số lượng đàn tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ít xảy ra, giá cả duy trì ở mức cao nên người chăn nuôi quan tâm đầu tư tái đàn và mở rộng quy mô sản xuất. Dự báo đến cuối năm nay, khả năng đàn chăn nuôi tăng từ 15-20% so với năm 2018.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Điều phấn khởi là qua 2 tháng đầu năm, các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều có giá trị sản xuất tăng. Nổi bật là giá trị sản xuất lúa tăng 1,6%, bắp tăng 11,8%, rau màu tăng 9,5%, cây ăn trái tăng 4,5%, chăn nuôi tăng 3,5%... Đây thật sự là tiền đề quan trọng để toàn ngành tiếp tục phấn đấu nhằm đạt mục tiêu vào cuối năm.    

Còn nhiều thách thức

Tuy các lĩnh vực đều có giá trị sản xuất tăng, nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan thì tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình là năng suất lúa Đông xuân và giá bán đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát… Qua đây, sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Bên cạnh những thách thức trên thì còn một thách thức khác không kém phần quan trọng cho ngành nông nghiệp là khả năng khó đạt chỉ tiêu GRDP khu vực I theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra cho cả nhiệm kỳ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho hay: Do GRDP 3 năm trước của chúng ta đạt ở mức thấp và chỉ tiêu năm nay đề ra là 2,5% (phấn đấu đạt 3%) và chỉ tiêu năm 2020 đến 3,4% nên chúng ta rất khó đạt. Trong khi Nghị quyết của nhiệm kỳ đề ra là GRDP bình quân 5 năm (từ 2016-2020) của tỉnh phải đạt 3%. Thế nhưng, từ kết quả của những năm qua và kế hoạch năm nay thì dự báo chúng ta chỉ đạt GRDP bình quân vào năm 2020 là 2,31%. Bên cạnh đó, dự báo đến năm 2020, tổng sản phẩm GRDP theo giá thực tế của tỉnh cũng chỉ đạt 14.089 tỉ đồng, thấp hơn 1.218 tỉ đồng so với kế hoạch nhiệm kỳ. Từ những thách thức đang đặt ra thì đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có những giải pháp ứng phó trước mắt kịp thời, đồng thời vừa có kế hoạch lâu dài và nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu của năm và nhiệm kỳ đã đề ra.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Từ những thuận lợi và thách thức đang đặt ra, hiện ngành nông nghiệp xác định và chọn 3 lĩnh vực có khả năng vực dậy toàn ngành trong năm 2019 này, cũng như những năm tiếp theo đó là lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày. Từ việc xác định này, hiện toàn ngành đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cho 3 lĩnh vực trên để góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Theo đó, ngành thủy sản đã tổ chức nắm lại diện tích ao nuôi cá còn treo ao để tiến hành vận động bà con nuôi trở lại, trong đó tập trung vào nuôi cá tra đang có giá trị kinh tế. Qua kiểm tra, diện tích treo ao của toàn tỉnh hiện còn 23ha, trong đó thị xã Ngã Bảy là 13ha, huyện Phụng Hiệp và Châu Thành mỗi đơn vị còn 5ha. Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay: Tới đây, đơn vị sẽ tiến hành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những hộ còn treo ao để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp bà con quay lại với nghề. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tổ chức liên kết với doanh nghiệp đến bao tiêu để bà con chăn nuôi an tâm về đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, chi cục thủy sản sẽ xây dựng đề án phát triển cho 2 đối tượng chủ lực là cá tra và cá thát lát. Trong đó, sẽ nghiên cứu vùng nuôi cá tra giống tại huyện Phụng Hiệp, riêng thị xã Ngã Bảy sẽ nuôi cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất UBND tỉnh và các ngành liên quan hỗ trợ nạo vét kênh, mương và đầu tư điện, đường giao thông tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài giải pháp của lĩnh vực thủy sản thì ngành nông nghiệp tỉnh còn tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch toàn ngành gắn với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, chuỗi giá trị. Song song với công tác tái cơ cấu ngành là việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong đó tập trung hướng dẫn bà con canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng theo yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin thêm: Từ việc đã và đang triển khai quyết liệt những công việc trên, hy vọng ngành nông nghiệp sẽ lắp đầy vào những khoảng còn thiếu hụt về giá trị sản xuất nông nghiệp như dự báo để có thể hoàn thành chỉ tiêu năm và nhiệm kỳ đã đề ra.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>