Trường nghề tự đổi mới

16/09/2016 | 08:13 GMT+7

Với mục tiêu đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường trung cấp, cao đẳng đẩy mạnh việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đó cũng là nét đổi mới thiết thực, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Ngã Bảy trong một giờ thực tập.

Bắt tay với doanh nghiệp

Đứng trước những khó khăn và thử thách chung về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không còn đào tạo theo “ý mình”, thay vào đó đã chuyển hướng đào tạo theo những gì xã hội cần. Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trước đây, trường rất bị động trong việc đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thiết bị để phục vụ thực hành cho các em ở trường chưa được đảm bảo cũng cản trở nỗ lực đào tạo của trường. Sau này, khi thấy học sinh ra trường thường yếu về kỹ năng thực hành và rất khó khăn vận hành các máy móc tiên tiến, hiện đại, nhà trường đã chủ động xin cho học sinh được vào thực tập trực tiếp tại các công ty trong và ngoài địa bàn. Cũng từ đây, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để liên kết đào tạo lao động. Rất mừng là với sự bắt tay của doanh nghiệp, trường đang tuyển sinh một số nghề được đặt hàng như điện, quản trị mạng máy tính, may…”.

Việc đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp là vấn đề đã được nói đến lâu, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nên những năm trước việc liên kết, tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp chưa có nhiều kết quả tốt, nhưng hiện nay đã khác. Những cái “bắt tay” với doanh nghiệp của các trường nghề sẽ là nền tảng bước đầu giúp vực dậy các trường nghề, vốn một thời gian dài hoạt động trong khốn khó, èo ọt.

Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước có sự gắn kết mạnh mẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Người học nghề đã tìm được những nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh học lý thuyết, các học viên đã được thực tập trên những trang thiết bị, máy móc hiện đại. Ông Đoàn Văn Giàu, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm, Trường Trung cấp nghề tỉnh, chia sẻ: “Lúc mới đầu làm việc với doanh nghiệp để xin cho các em vào thực tập khó khăn lắm. Vì người ta lúc đó đâu có biết chất lượng học sinh của trường đào tạo như thế nào nên cũng còn e ngại hợp tác. Nhưng sau đó, khi thấy được tay nghề của các em khá ổn, nên họ không chỉ đồng ý cho đến công ty thực tập trong quá trình học mà các em còn được nhận vào làm việc nếu có nguyện vọng được tiếp tục ở lại sau quá trình thực tập. Hiện nay, trường cũng được nhiều công ty liên hệ đặt hàng đào tạo lao động. Hàng năm, chúng tôi cũng lập phiếu khảo sát ý kiến, thăm dò nhu cầu của doanh nghiệp, để qua đây, có được thông tin cụ thể về chất lượng học viên của trường và cũng là cơ hội để xem lại chương trình đào tạo đã phù hợp chưa để kịp thời điều chỉnh”. Ở Trường Trung cấp nghề tỉnh, trong mỗi đợt tốt nghiệp, trường đều có mời các doanh nghiệp, công ty đến dự và trực tiếp tuyển dụng. Hiện tại, trường đã ký kết đào tạo với 5 doanh nghiệp, với các nghề như may công nghiệp, điện lạnh, kỹ thuật xây dựng…

Có thể thấy, việc chuyển hướng đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, cũng như chất lượng lao động…

Định hình hướng đi bền vững

Gắn kết với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tìm chỗ thực hành cho học sinh, mà mong muốn của các trường nghề là hướng tới việc giúp học viên có được việc làm ổn định sau khi ra trường. Ông Lê Văn Phi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, nói: “Việc gắn kết đào tạo nghề của nhà trường với nhu cầu doanh nghiệp đã tạo ra một hiệu quả lớn cho việc đào tạo nghề ở hệ trung cấp. Qua đây, chất lượng đào tạo của nhà trường cũng được nâng lên nhờ doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo. Thông qua liên kết này, học sinh của trường không chỉ có được nơi thực tập trong quá trình học mà còn có cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, khoảng 70% học sinh của trường tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Hiện nay, qua khảo sát nhu cầu thị trường chúng tôi đang dự kiến sẽ xin mở thêm mã ngành đào tạo mới để thu hút các em”. Từ năm 2010, nhà trường đã bắt đầu đào tạo theo địa chỉ đến nay, trường đã và đang tiếp tục tuyển sinh đào tạo cho 3 doanh nghiệp theo đơn đặt hàng. Những ngày khởi đầu khá gian nan, rất khó để tìm được cái gật đầu của chủ doanh nghiệp, nhưng chính sự uy tín và chất lượng đã tạo dựng được niềm tin.

Các hiệu trưởng trường nghề đều chia sẻ rằng, để tìm được doanh nghiệp cùng liên kết đào tạo đã khó, nhưng việc làm thế nào để tạo được lòng tin, khẳng định được chất lượng học sinh của trường đối với doanh nghiệp tuyển dụng lại càng khó hơn gấp bội... Nhưng một khi đã tạo được lòng tin với doanh nghiệp, các trường sẽ được nhiều thứ. Ông Tôn Ngọc Mẫn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang, cho biết: “Do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật đang đào tạo các nghề công ty cần và qua quá trình học sinh của trường thực tập tại đây thấy được, nên chúng tôi chọn trường để đặt hàng đào tạo. Không chỉ tạo điều kiện cho học sinh được vào thực tập trong quá trình học nếu các em sau thời gian thực tập có nhu cầu muốn làm việc lâu dài chúng tôi đều nhận vào làm. Đối với công việc này không chỉ đòi hỏi các em phải có kiến thức mà còn phải chịu khó mới có thể làm tốt nghề được”.

Không chỉ có các trường trung cấp quan tâm đào tạo theo địa chỉ, những năm qua, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cũng đã tích cực liên kết được với cả doanh nghiệp và cơ sở tuyển dụng. Ông Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, tâm sự: “Bây giờ, chúng tôi đào tạo luôn gắn liền với nhu cầu xã hội. Có như vậy mới thu hút được học sinh, tâm lý của người học là muốn có được việc làm tốt sau khi học và hướng đào tạo theo cái doanh nghiệp cần là cách làm mang lại hiệu quả nhất cho đào tạo các trường. Hàng năm, nhằm gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và cơ sở tuyển dụng, nhà trường luôn chủ động tiếp cận để tìm hiểu nhu cầu thị trường. Không chỉ vậy, để doanh nghiệp biết được năng lực học sinh và trực tiếp khảo sát chương trình đào tạo của nhà trường, chúng tôi cũng mời doanh nghiệp vào trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Đặc biệt, với dự án VSEP, nhà trường đang tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, đánh giá thị trường lao động để mời gọi doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo mở thêm các ngành phù hợp với nhu cầu thị trường…”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đánh giá, trong nhiệm kỳ 2010-2015, chất lượng đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương; hệ thống các cơ sở dạy nghề trong tỉnh có bước phát triển, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh từng bước phù hợp nhu cầu.

Trong Nghị quyết của nhiệm kỳ mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã nhấn mạnh đến việc: “Tăng cường đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của thị trường và yêu cầu, địa chỉ cụ thể của người sử dụng lao động”, định hướng này đã được các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh bám sát và quyết tâm thực hiện, nhưng để đạt kết quả tốt nhất, rất cần sự chung tay hợp tác của doanh nghiệp!

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>