Xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

22/08/2018 | 08:12 GMT+7

Bài 2: Đâu là hạn chế, yếu kém ?

Mỗi năm, vẫn còn không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp bị kỷ luật; tình trạng hách dịch, sách nhiễu người dân trong hoạt động công vụ còn xảy ra là những thực tế cho thấy công tác cán bộ nói chung, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế.

Hội thảo khoa học về công tác quy hoạch đào tạo, quản lý đào tạo và hiệu quả bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo ở tỉnh Hậu Giang đã nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong công tác này.

Mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về công tác quy hoạch đào tạo, quản lý đào tạo và hiệu quả bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo ở tỉnh Hậu Giang. Tại đây, những hạn chế, yếu kém, bất cập về công tác quy hoạch đào tạo, quản lý đào tạo và hiệu quả bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo trên địa bàn tỉnh được nhìn nhận thẳng thắn…

Đào tạo cán bộ chưa gắn với quy hoạch

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo nhưng khi triển khai thực hiện thì ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, nhất là nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch, tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ tham gia các chức danh chủ chốt, lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan tỉnh chưa đạt; quy hoạch cấp sở, ngành tỉnh, cấp huyện, xã còn khép kín trong nội bộ.

Trong đó, đáng quan tâm là công tác đào tạo cán bộ chưa thật sự gắn với quy hoạch, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học không đúng đối tượng, không đúng chuyên môn, vị trí việc làm, còn tình trạng hợp thức hóa bằng cấp.

Đào tạo vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa gắn chặt với quy hoạch đào tạo, sử dụng, bố trí sau đào tạo cũng là hạn chế mà ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nội vụ, nêu ra.

Ông Quân cũng thông tin, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đã được bổ nhiệm nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn quy định. Nguyên nhân của tình trạng này là do có cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của công tác đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc bố trí cán bộ, công chức sau đào tạo ở một số đơn vị chưa phù hợp với năng lực, sở trường, chưa định hướng lâu dài, đồng bộ.

Trong khi đó, Thường trực Thành ủy Vị Thanh đánh giá, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức tham gia đào tạo sau đại học chưa thật sự phù hợp với vị trí việc làm, có xu hướng “chạy theo bằng cấp”. Mặt khác, công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giữa các cơ quan, đơn vị đôi lúc chưa thật sự chặt chẽ, một vài cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Hạn chế về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Ông Võ Văn Tánh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thông tin, mặc dù số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên nhưng chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nhìn chung chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; thái độ và tinh thần phục vụ đối với công dân và tổ chức chưa cao, vẫn còn tình trạng giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, thậm chí có thái độ vô cảm trước công việc của dân.

Ông Tánh dẫn chứng, qua kết quả điều tra về cải cách thủ tục hành chính, tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết hồ sơ hành chính có xu hướng tăng. Cụ thể, có khoảng 15% số người làm hồ sơ hành chính phải mất phí “bôi trơn”. Đây là nguyên nhân chính làm cho mức độ hài lòng của người dân và tổ chức về chỉ số cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng chưa cao.

“Việc cán bộ yếu kém có phần nguyên nhân từ chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở một số cơ sở. Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ giảng viên của một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý và phương pháp giảng dạy. Chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành và tổng kết thực tiễn”, ông Võ Văn Tánh nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Hiệp Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cũng nhìn nhận phương pháp, nội dung trong hoạt động quản lý đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của trường hiện nay chậm đổi mới; vai trò, trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị được phân cấp và phối hợp quản lý đôi lúc chưa phát huy tốt; năng lực, kinh nghiệm một số cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Công tác quản lý lớp ở một số khâu chưa chặt chẽ; tinh thần, trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý chưa cao, đôi lúc có biểu hiện nể nang, bao che học viên vi phạm.

Do gặp phải những hạn chế trên nên kết quả xếp loại học tập của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh từ tháng 10-2015 đến tháng 5-2018 còn khiêm tốn.

Cụ thể, thời gian này, trường đã mở 30 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 2.199 học viên tốt nghiệp. Trong đó, chỉ có 32 học viên xếp loại giỏi (tỷ lệ 1,5%), 755 học viên loại khá (tỷ lệ 34,3%), 1.412 học viên loại trung bình (tỷ lệ 64,2%). Cá biệt năm 2016 không có học viên xếp học lực giỏi.

Từ những hạn chế, bất cập được chỉ ra, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang đề ra nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh vừa hồng vừa chuyên trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 3: Xây dựng cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>