Xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

23/08/2018 | 08:30 GMT+7

Bài 3: Xây dựng cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Để thực hiện được mục tiêu này thì yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành trong tỉnh phải thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ...

Nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính là nhiệm vụ mà Trường Chính trị tỉnh đã và đang tập trung thực hiện.

Đào tạo gắn với việc bố trí sử dụng

Đây là điều cần thiết nhằm khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, đào tạo không gắn với quy hoạch, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí ngân sách nhà nước và kể cả cho bản thân người học.

Theo UBND tỉnh, để thực hiện tốt yêu cầu này thì các cấp, các ngành cần thực hiện dân chủ, công khai minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo và đãi ngộ nhân tài; chú trọng công tác bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo một cách hợp lý; khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức tự học tập nâng cao trình độ, trau dồi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Còn Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải dựa trên cơ sở quy hoạch, trong đó các địa phương cần điều tra, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ khác nhau, bao gồm cả cán bộ đương nhiệm và cán bộ thuộc diện quy hoạch, từ đó xây dựng kế hoạch để mở lớp hoặc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Nhất là cần quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số để xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong thời kỳ mới.

Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Thiệu, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Long Mỹ, điều cần thiết là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với việc bố trí, sử dụng; tránh tình trạng đào tạo không đúng chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Cần áp dụng phương pháp cạnh tranh lành mạnh trong đánh giá bố trí, sắp xếp, đãi ngộ, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương, cấp ủy các cấp cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với từng chức danh, ngạch, bậc; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo chuyên sâu sau đại học để có đội ngũ trí thức giỏi trên từng ngành, lĩnh vực”, ông Trần Văn Thiệu cho biết thêm.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Yếu tố này rất quan trọng, vì một khi chất lượng đào tạo đạt hiệu quả cao sẽ tạo ra nguồn cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua còn những hạn chế nhất định dẫn đến chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ bị trùng lắp về mặt lý luận. Đáng lo là có trường hợp học viên tham gia các lớp học chưa nghiêm túc, đi học theo kiểu chiếu lệ.

Trường Chính trị tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở đơn vị mình. Theo đó, Ban giám hiệu trường sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng bài giảng của lãnh đạo các khoa và giảng viên thông qua việc tổ chức dự giờ trên lớp, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo phòng, khoa về hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy.

Song song đó, lãnh đạo các phòng, khoa coi việc dự giờ, theo dõi, quản lý hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên là việc làm thường xuyên và có trách nhiệm báo cáo với Ban giám hiệu về tiến độ và kết quả tổ chức thực hiện. Nhà trường cũng tăng cường thực hiện kiểm tra bằng hình thức kiểm tra giáo án, kiểm tra chéo giáo án của giảng viên trong khoa; dự giờ trên lớp qua hoạt động của tổ dự giờ hoặc cá nhân; kiểm tra thông qua báo cáo của giảng viên trong việc thực hiện kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy.

“Tổ thanh tra giáo dục sẽ tăng cường tham mưu cho Hiệu trưởng trường xây dựng kế hoạch thanh tra, định kỳ và thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động giảng dạy và học tập. Thông qua hoạt động thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các học viên, giảng viên vi phạm nội dung chương trình, quy chế quản lý đào tạo, quy chế hoạt động của nhà trường”, thạc sĩ Nguyễn Hiệp Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các cơ sở đào tạo trong tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống trong sáng và trình độ, kiến thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tích cực xây dựng kế hoạch để cử cán bộ, giảng viên có điều kiện thâm nhập, nắm bắt tình hình thực tiễn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả phương châm gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, cũng cần trọng dụng, có chính sách thỏa đáng để tập hợp, thu hút những cán bộ lãnh đạo có năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo quản lý đến tham gia giảng dạy các chuyên đề phù hợp tại các trường; có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, bao gồm những cán bộ lãnh đạo quản lý trên các lĩnh vực có năng lực, có tâm huyết, có kỹ năng và phương pháp giảng dạy để đảm nhận các chuyên đề thuộc các chương trình đào tạo tại các trường, nhất là các nội dung về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, công tác vận động quần chúng…

Đánh giá công tác cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng nên ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống trong sáng và trình độ, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên là nhiệm vụ rất quan trọng và có tác động trực tiếp đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển của tỉnh nhà. Gần 15 năm qua, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo ra chuyển biến quan trọng về chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh, nhưng hạn chế, yếu kém thì vẫn còn nhiều nên rất cần sự quyết tâm cao hơn nữa trong giai đoạn mới.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025 gắn với thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở phải dựa trên cơ sở quy hoạch…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>