Xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời

06/07/2018 | 09:12 GMT+7

Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Hậu Giang đã tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng.

Hai anh em Trần Văn Luân, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, học đếm số tại lớp học tình thương của bà giáo Đỏ.

Mọi người đều được học tập

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba bệnh tâm thần, một mình mẹ đi bán vé số để nuôi hai con. Nhà không có ruộng đất gì nên hai anh em Trần Văn Luân, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, phải nghỉ học để đi bán vé số cùng mẹ. Em Luân bộc bạch: “Mỗi buổi sáng, em tranh thủ ghé vào lớp của cô học một ít rồi tiếp tục đi bán vé số với anh. May mắn của em là được tham gia học lớp học tình thương của cô Ba Đỏ (cô Nguyễn Thị Đỏ, cựu giáo chức phường Lái Hiếu). Em đã biết đọc, biết viết, biết tính cộng trừ và nhận dạng được các con số trên mặt tờ tiền”.

Lớp học tình thương của cô Ba Đỏ được mở hơn 30 năm, từ môi trường này đã tạo điều kiện cho nhiều trẻ em cơ nhỡ, thiệt thòi có điều kiện học tập. Xúc động, vui mừng khi mình không còn mù chữ, bà Lê Ngọc Ánh, mẹ em Luân, nói: “Nhà tôi đã mang sổ hộ nghèo 10 năm rồi. Việc học tập là một điều vượt ngoài tầm với của gia đình. Nhưng lo con thất học sẽ thiệt thòi nên tôi đã qua xin cô Ba Đỏ cho hai con tham gia học lớp học tình thương. Tôi mừng vì nhờ cô mà con tôi đã biết đọc, biết viết và tính toán được, ra đời sẽ ít bị thiệt thòi”.

Nói về lớp học, cô Nguyễn Thị Đỏ chia sẻ: “Tôi biết, Đảng và Nhà nước đang triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập, giúp mọi người dân không phân biệt giàu nghèo, độ tuổi, dân tộc… đều được học tập. Vì thế, sức mình giúp được bà con đến đâu tôi sẽ làm đến đó. Dạy miễn phí cho một đứa trẻ biết chữ là tôi có thêm một niềm vui tuổi già, cũng là trách nhiệm với nghề giáo, với xã hội”.

Không chỉ quan tâm dạy các em có hoàn cảnh khó khăn, các lớp học tình thương trên địa bàn tỉnh còn góp phần rèn luyện, bồi dưỡng cho những học sinh yếu, kém giúp các em có thêm kỹ năng và hứng thú trong việc học như lớp học hè của bà giáo Năm (bà Lâm Thị Năm, ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A). Em Trần Ngọc Chăm, học lớp 4B, Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “3 mùa hè rồi, em đều xin ba đến học lớp của bà Năm. Bà dạy rất hay và rất dễ hiểu. Nhờ bà mà em học giỏi hơn trước. Em đang ôn lại kiến thức rèn thêm cách giải bài toán và làm văn”.

Chăm lo giáo dục là xây nền tảng cho sự phát triển

Để phong trào xây dựng xã hội học tập thực sự đi vào chiều sâu, được toàn xã hội đồng tình hưởng ứng, thời gian qua tỉnh luôn tạo điều kiện cho toàn dân được học tập suốt đời với nhiều hình thức. Tỉnh đã có Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Xây dựng xã hội học tập để bảo đảm thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và địa phương. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Hội Khuyến học đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”… Vào năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”… từ đó phong trào xã hội học tập đã lan tỏa ở khắp mọi nơi.

Nếu như năm 2013, toàn tỉnh có 72.972 gia đình hiếu học, thì đến nay đã có 85.294 gia đình hiếu học, tăng hơn 12.320 gia đình hiếu học. Ông Nguyễn Mạnh Cử, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nói: “Để tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời, các hoạt động khuyến học - khuyến tài trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh. Hiện nay, tất cả các huyện, thị, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn đều có thành lập hội khuyến học, các ấp, khu vực, các trường học có thành lập những chi hội khuyến học. Hàng năm, hội khuyến học các cấp đã hỗ trợ học bổng cho hàng chục ngàn trường hợp học sinh nghèo hiếu học, tạo điều kiện cho các em được tiếp tục học tập”. Phong trào xã hội hóa xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài với nhiều hình thức vận động được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã vận động được hơn 52,7 tỉ đồng. Em Nguyễn Thị Mỹ Quyên, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Nhờ thầy, cô vận động mạnh thường quân cho em học bổng, quà và nhiều tập sách mà em đã được tiếp tục đến trường. Đây là nguồn động lực rất lớn để em viết tiếp ước mơ trở thành bác sĩ của mình”.

Sau 7 năm thực hiện đề án, hầu hết các nội dung đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ đạt hơn 99% vượt 1% so với kế hoạch, 100% huyện, thị, thành phố, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục THCS và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, có 78% (chỉ tiêu 50%) lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng. Bà Trần Thị Thi, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần được tham gia các lớp học ở trung tâm học tập cộng đồng xã. Nội dung học phù hợp lắm, về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng màu, trồng nấm rơm, đan lục bình… Nhờ nắm bắt tốt kỹ thuật đan lục bình, nên thời gian rảnh rỗi mấy chị em phụ nữ chúng tôi họp lại nhận hàng về đan, thu nhập hàng ngày cũng tăng đáng kể”.

Hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Phấn đấu đến năm 2020, các đơn vị có điều kiện sẽ sớm đạt chuẩn PCGD THPT theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

Đáp ứng tốt nhu cầu “cần gì, học nấy” của Nhân dân…

Một số giải pháp cần thực hiện hiệu quả đề án như tiếp tục kiện toàn lại Ban chỉ đạo đề án các cấp, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là nâng cao vai trò các cấp hội khuyến học trong công tác vận động, tuyên truyền mọi người tham gia học tập suốt đời, có giải pháp để cán bộ, công chức tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ… Phải phát huy hiệu quả học tập của các  trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn để đáp ứng tốt nhu cầu “cần gì, học nấy” của Nhân dân…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>