Xuất khẩu lao động: Có đi là gặt hái được kết quả !

30/09/2016 | 07:57 GMT+7

Duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ được nêu lên trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh. Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng công tác này đã và đang đem lại những lợi ích, kết quả nổi bật, nhất là trong giảm nghèo.

Nhiều lao động tham gia tư vấn việc làm ngoài nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Đi lao động ở nước ngoài thật sự đã giúp nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh thay đổi cuộc sống, trở nên khá giả, sung túc.

Giảm nghèo nhờ “xuất ngoại”

Trường hợp của chị Trần Hồng Thắm, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, là một điển hình tiêu biểu. Trước đây, gia đình quá khó khăn, chị phải đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cái nghèo cứ đeo bám, cái cảnh thiếu trước hụt sau vẫn diễn ra hàng ngày. Rồi cơ hội được đi xuất khẩu lao động đến với chị và gia đình, sau gần 5 năm làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc đã giúp chị Thắm có được nguồn thu nhập khá cao, cuộc sống ngày một ổn định hơn. Chị Thắm chia sẻ: “Tuy phải xa gia đình, xa quê hương để đi làm việc nơi xứ người, nhiều khi cũng thấy tủi lắm, nhưng bù lại thu nhập khá cao nên tôi thấy vui lắm”. Gần 5 năm làm việc ở nước ngoài, chị Thắm đã gửi về cho gia đình gần 1 tỉ đồng. Đây là thu nhập rất lớn so với lao động trong nước. Bởi vậy, mà khi nói về chị, những người dân ở đây cứ trầm trồ và khen ngợi hết lời. Với số tiền gửi về, cha mẹ chị đã xây ngôi nhà khang trang, rộng rãi, nổi bật gần như nhất xóm, với số tiền khoảng 650 triệu đồng.

Từ những điển hình như chị Thắm, đã khẳng định đi xuất ngoại nước ngoài để làm việc mang đến nhiều cái lợi cho các địa phương, nhất là chuyện thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, từng huyện, thị, thành phố luôn tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Văn Thương, ở ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết nhiều người sau khi đi xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản có nguồn thu nhập ổn định, ai đi được đến đất nước này khi về gia đình đều khá giả. Bởi vậy, tôi đã đưa con trai là Nguyễn Châu Thanh xuất khẩu lao động ở nước này, hy vọng kinh tế gia đình khá giả với người ta”. Anh Thanh sang Nhật Bản làm việc mới hơn 3 tháng nay, nhưng đã gửi về hơn 70 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống gia đình ông Thương được nâng lên đáng kể.

Cũng có con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản trong năm nay, bà Trần Thị Bích Phượng, ở ấp Long Hưng 1, xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Con trai thứ hai của tôi là Ngô Văn Khoa đã đi xuất khẩu lao động hơn 3 tháng nay. Công việc của nó là làm bên ván ép coppha, lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn có tiền làm thêm giờ và tiền thưởng. Nghe cháu điện về nói ổn lắm, người ta đối xử đàng hoàng, làm việc giờ giấc này kia được lắm”.

Những trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải ai cũng nghèo, nhưng nhiều hộ gia đình có nguy cơ tái nghèo cao nằm trong số này và theo thống kê các địa phương, những hộ gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đều thoát nghèo bền vững hoặc vươn lên khá, giàu. Trong khi cả chục năm trước, câu chuyện giảm nghèo cho những đối tượng kể trên luôn khiến chính quyền địa phương trăn trở. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, cũng chính là thực hiện mục tiêu tổng quát đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là “… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Chọn thị trường lao động phù hợp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 46 người tham gia xuất khẩu lao động, đạt 92% chỉ tiêu năm 2016 đề ra trong Chương trình thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Trong đó, huyện Phụng Hiệp 13 người, huyện Châu Thành A 14 người, huyện Vị Thủy 9 người... Để thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động, các cấp, các ngành luôn quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ với các công ty hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu lao động, để đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu về cơ hội việc làm ở ngoài nước đến người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc Khmer vay vốn đi xuất khẩu lao động. Ông Phan Vũ Cường, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã đưa 14 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu so với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao 8 trường hợp. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của tỉnh… Qua đó, gia tăng số lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”.

Bên cạnh các địa phương hoàn thành chỉ tiêu được giao, vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong hoạt động này. Ở thành phố Vị Thanh, đầu năm đến nay mới có 1 người đi xuất khẩu lao động. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết: “Mặc dù địa phương rất tích cực trong tuyên truyền về lợi ích của xuất khẩu lao động, tuy nhiên do tâm lý người lao động vẫn thích làm việc gần nhà, ngại đi làm xa nên địa phương gặp khó trong công tác này”.

So với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có thể kế hoạch đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016 của Hậu Giang là chưa nhiều, nhưng chính việc thay đổi tư duy, hướng đi, cách làm trong xuất khẩu lao động là tìm thị trường tốt nhất trong thị trường truyền thống, nên dù có ít, nhưng hiệu quả mang lại cao. Trong cuộc họp tổng kết ngành lao động - thương binh và xã hội toàn quốc vừa qua, không ít ý kiến nêu lên thực trạng là vẫn còn nhiều tỉnh, thành trong vùng đang cố làm cho đạt chỉ tiêu giao hàng năm và vẫn cho người lao động đến những thị trường lao động cũ không còn hấp dẫn, thiếu sự ổn định, tiền lương ít, nên hướng đi của Hậu Giang, dù ít, tuy ít, tuy chậm, nhưng chắc chắn.

Bàn về vấn đề này, ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nói: “Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động, hình thức sẽ đa dạng và sâu rộng hơn. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức ngày giao dịch việc làm tại các xã, nhằm đẩy mạnh tư vấn học nghề, đăng ký việc làm. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng tư vấn xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, bởi đây là thị trường nhiều tiềm năng, mức lương khá cao. Ngoài ra, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động...”.

Tuy còn những khó khăn nhất định trong việc tìm thị trường lao động, nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đưa 46 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 92% kế hoạch năm. Trong đó, làm việc ở Đài Loan có 22 người, Nhật Bản 22 người và Hàn Quốc 2 người. Nhật Bản đang là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng được chú trọng khai thác của Hậu Giang và người dân cũng bắt đầu chú ý đến thị trường này vì sự ổn định, chất lượng và đặc biệt là có đi là có giàu! Để xuất khẩu lao động tốt và chất lượng chưa bao giờ là điều dễ dàng, với định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hậu Giang đã dần qua rồi thời điểm gắng cho số lượng nhiều. Giờ đây, nói đến xuất khẩu lao động, người ta lại bàn nhiều đến việc người lao động Hậu Giang được xuất khẩu đến nước nào, mức lương, trợ cấp, phụ cấp và chế độ làm việc ra sao...

5 năm, sẽ đưa 250 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhiệm kỳ 2010-2015, bình quân mỗi năm có 50 người lao động Hậu Giang được xuất khẩu sang các thị trường lao động ngoài nước và chỉ tiêu này nằm trong thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đánh giá là có hiệu quả. Trong Chương trình thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh ban hành, để quán triệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đề ra chỉ tiêu là tạo việc làm trong 5 năm cho 75.000 lao động (bình quân mỗi năm 15.000 lao động). Trong đó, có 250 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>