Bảo vệ trẻ em thời công nghệ số

01/06/2018 | 08:08 GMT+7

Ngày nay, khi công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ thì việc sử dụng internet và mạng xã hội không còn xa lạ với nhiều người và trẻ em cũng vậy. Thế nhưng, ở lứa tuổi còn nhỏ, các em chưa nhìn nhận được những tác động xấu từ internet. Do đó, cần có sự bảo vệ và định hướng kịp thời từ phía gia đình và nhà trường.

Cần định hướng để trẻ em hiểu những mặt tốt và xấu của internet, để phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập và giải trí.

Năm nay, em Lương Thị Bích Huyền, học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, đã 15 tuổi và em được gia đình cho sử dụng điện thoại có kết nối internet đã mấy năm nay. Em Huyền chia sẻ: “Em thường sử dụng điện thoại để truy cập internet, nhưng mỗi ngày chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cha mẹ thường hay nhắc nhở em không được sa đà vào mạng xã hội mà bị nghiện. Bây giờ, các bạn trong lớp em sử dụng mạng xã hội rất nhiều, chúng em thường xuyên trao đổi thông tin học tập, liên lạc với nhau qua mạng xã hội”.

Còn em Nguyễn Vũ Nguyên, học sinh lớp 9, Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, cũng thường xuyên tra cứu thông tin trên internet để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân, để vận dụng vào học tập. Ngoài ra, thông qua đó, Nguyên cũng biết nhiều kiến thức bổ ích để tham gia các cuộc thi do nhà trường, ngành giáo dục và đào tạo tổ chức. Nguyên bộc bạch: “Hiện nay, trên internet có rất nhiều thông tin, do đó, chúng em phải biết chắt lọc thông tin để không làm ảnh hưởng đến bản thân. Với lại được thầy cô giáo hướng dẫn, chúng em chỉ sử dụng những trang web phục vụ cho việc học tập”.

Vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt đã có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, có tính giáo dục cao nhằm tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và học sinh về việc sử dụng internet và mạng xã hội một cách hiệu quả. Ông Trần Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị, cho biết: “Hiện nay, nhiều em học sinh chưa thực sự hiểu rõ những nguy hại trên môi trường mạng. Để giúp các em nâng cao khả năng tự bảo vệ trên môi trường này, nhà trường đã tư vấn, hướng dẫn các em kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc giáo viên dạy môn tin học cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh sử dụng những kênh thông tin chính thống trên internet để khai thác và sử dụng thông tin, nhằm phục vụ tốt cho việc học tập và giải trí”.

Em Vương Huỳnh Như, học sinh lớp 9, Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Ở lứa tuổi chúng em đa số đều sử dụng mạng xã hội. Thế nhưng, những thông tin trên đó rất nhiều. Có những vấn đề không phù hợp với lứa tuổi chúng em, nên chúng em cũng phân vân”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, công nghệ số mang lại nhiều tiện ích, vì đây là công cụ nhiều hữu ích giúp các em tăng thêm kiến thức, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy sự sáng tạo. Chính vì vậy, để bảo vệ các em, nhà trường và gia đình phải thường xuyên định hướng và quản lý con trẻ sử dụng công nghệ theo hướng tích cực, lành mạnh. Bà Trần Thị Thu Thủy, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngày nay, các cháu học sinh tiếp cận với internet rất sớm, để phục vụ nhu cầu học tập. Vì vậy, để con có kiến thức, gia đình cũng tạo điều kiện để cháu tiếp xúc với máy tính, mạng internet, mạng xã hội… Song chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi việc sử dụng internet của con, tránh trường hợp con sa đà rồi rơi vào nghiện internet”.

Tuy có nhiều lợi ích nhưng công nghệ số vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguồn thông tin không lành mạnh, nội dung độc hại đối với trẻ em, nếu trẻ em không có kỹ năng chọn lọc thông tin và thường xuyên tiếp xúc sẽ gây nghiện, phụ thuộc, thậm chí rơi vào các tệ nạn xã hội, có những hành vi vi phạm pháp luật, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tình trạng bạo lực, bóc lột và xâm hại trẻ em. Do đó, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển của trẻ em trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em có thông tin và tham gia vào môi trường mạng được an toàn, lành mạnh…

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 diễn ra từ ngày 1 đến 30-6, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Đây là hoạt động cấp thiết, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>