Bệ phóng chất lượng

06/02/2019 | 06:58 GMT+7

Với gần 60% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn, tăng hơn 25 lần so với thời điểm mới chia tách tỉnh (năm 2004), Hậu Giang trở thành điểm sáng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trừ thành phố Cần Thơ) về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư phát triển trường đạt chuẩn quốc gia giúp Trường THCS Phan Văn Trị phát triển toàn diện.

Đây là một bước tiến khá dài của ngành giáo dục và đào tạo hướng đến một nền giáo dục hiện đại, chất lượng trong năm mới 2019.

Điểm sáng từ những ngôi trường đạt chuẩn

Trở lại Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, sau 1 năm được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi nhận thấy nhiều thay đổi từ ngôi trường này. Đi một vòng quanh trường, xem các em học sinh học tập nghiêm túc, giáo viên giảng bài nhiệt tình, ông Võ Văn Sol, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường thuộc địa bàn vùng sâu, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn nên chúng tôi xác định chỉ có chất lượng mới thu hút được học sinh giỏi học tập tại trường. Vì thế, giáo viên luôn chủ động đổi mới sáng tạo, học sinh luôn ý thức trong việc học hành. Nhờ vậy mà năm vừa rồi nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đó là nền tảng để trường nâng chất lượng giáo dục từng ngày”.

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khang trang.

Đang nỗ lực cùng các bạn trong đội tuyển môn sinh học ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2019, em Huỳnh Thị Như Ý, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tân Phú, cho biết: “Em rất tự hào khi mình là học sinh của một ngôi trường đạt chuẩn. Vì thế, chúng em luôn cố gắng học tập thật tốt để góp sức mình mang giải thưởng về cho trường trong mùa xuân mới này”. Kết thúc năm học 2017-2018, học sinh Trường THPT Tân Phú có 26 giải cấp tỉnh (gồm 1 giải nhất, 8 giải nhì, 7 giải ba và 10 giải khuyến khích), có 2 giải cấp quốc gia, 1 học sinh góp phần cùng với tỉnh nhà đạt giải nhì toàn đoàn Hội thi tin học trẻ toàn quốc năm 2017, nhiều năm liền trường đạt tỷ lệ 100% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT quốc gia...

Là một trong những điểm sáng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, là nơi phụ huynh đặt niềm tin về chất lượng giáo dục. Ông Phạm Văn Phân, Hiệu trưởng trường, chia sẻ: “Năm học này, nhà trường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Chiếc ghế vinh dự”. Bởi, mô hình không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học mà quan trọng là góp phần đưa phong trào học tập và làm theo gương Bác ngày càng thiết thực và cụ thể hơn”. Cùng với mô hình “Chiếc ghế vinh dự”, Trường THCS Lê Quí Đôn đang tích cực thực hiện các mô hình “4 đủ: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở và đủ xe đạp”, để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường; hay mô hình “Trang trí lớp học”... Bằng những cách làm chủ động, sáng tạo khi thực hiện hiệu quả các mô hình mới, từ năm học 2007-2008 đến nay, trường đã vinh dự 11 năm liên tiếp là đơn vị dẫn đầu khối THCS của tỉnh. Năm học 2012-2013, trường đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, năm 2017, trường đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước tặng. Kết thúc năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi của trường là 70%.

Vượt khó để dạy tốt, học tốt

Bà Trần Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, cho biết: “Do huyện có nhiều điểm trường, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng, có những điểm phụ học sinh phải học nhờ nhà dân, trạm y tế… nên khi mới chia tách tỉnh, huyện chỉ có 1 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia - Trường Tiểu học Đông Phú 1. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi cũng đã đạt được 26/39 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm hơn 66%”.

Trường THPT Tân Phú nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2017-2018.

Bên giai điệu đón xuân an lành, ngược dòng thời gian về 15 năm trước, khi mới chia tách tỉnh, Hậu Giang chỉ có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… ở các trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục… Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Bằng quyết tâm vượt khó, trong đó, trọng tâm là xây dựng các trường đạt chuẩn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương và các mạnh thường quân đầu tư hỗ trợ, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Nhờ vậy mà con số 202 trường đạt chuẩn đến nay là một điểm sáng của giáo dục 15 năm qua”. Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt “Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015”, năm 2016 Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020...

Đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới đã góp phần giải quyết đáng kể vấn đề khó khăn nhất khi xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là thiếu kinh phí và quỹ đất. Ông Trần Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Tâm 1, huyện Long Mỹ, cho biết: “Trước đây, trường chỉ có 12 phòng học, 2 phòng chức năng gồm văn phòng và thư viện, còn sân chơi, bãi tập cho học sinh rất hạn chế. Đến năm 2015, cùng với kế hoạch xã nông thôn mới gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đã được đầu tư xây dựng 5 phòng học mới, nâng cấp sân trường, đường nội bộ và hàng rào khép kín, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng mà trường được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại”. Kết thúc năm học 2016-2017, trường có trên 97% học sinh hoàn thành chương trình học, không có học sinh bỏ học, cũng năm này trường đã đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng chính là thương hiệu

Thị xã Ngã Bảy là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Việc công nhận thêm Trường THPT Nguyễn Minh Quang vào năm 2017 đạt chuẩn quốc gia đã giúp thị xã Ngã Bảy hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra về trường chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 80% (sớm hơn 3 năm). Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Đây là niềm vui và sự nỗ lực rất lớn của địa phương. Để đạt được thành quả như hôm nay, từng năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo luôn chọn trường theo thứ tự ưu tiên để đưa vào kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đẩy mạnh xã hội hóa đã giúp thị xã luôn hoàn thành kế hoạch trong từng năm”. Trong số các trường đạt chuẩn quốc gia ở thị xã Ngã Bảy, Trường Tiểu học Hùng Vương là trường duy nhất trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trường THCS Lê Quí Đôn nỗ lực dạy tốt - học tốt.

Việc đầu tư phát triển các trường đạt chuẩn quốc gia sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển toàn diện, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giáo dục… Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh vừa được kiểm tra và tiếp tục công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018. Trường có diện tích trên 10.000m2, sân chơi có cây che bóng mát gần 4.000m2, đầy đủ các phòng chức năng, có 20 phòng học với 1.000 học sinh. Đây là điều kiện lý tưởng trong quản lý chất lượng dạy và học của nhà trường. So với năm học 2016-2017, năm học 2017-2018 chất lượng dạy và học của nhà trường cao hơn. Trong đó, tăng hơn 5% tỷ lệ học sinh khá giỏi, giảm hơn 1% tỷ lệ học sinh yếu kém.

Sang “tuổi 15”, giáo dục Hậu Giang đang mang trong mình sức sống căng tràn, nhiệt huyết vì sự nghiệp “trồng người”. Ngành đang cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nỗ lực, chủ động thực hiện tốt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” để tỉnh sớm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tự tin vươn lên tỉnh khá thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Xây dựng trường đạt chuẩn là một điểm sáng của giáo dục 15 năm qua. Việc xây dựng trường đạt chuẩn là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Tuy nhiên, không vì thế chạy theo thành tích, số lượng mà phải hội đủ đúng các tiêu chuẩn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Với sự đồng thuận cao của toàn xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh, từ nay đến năm 2020, các trường sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn, hoàn thiện nâng cao chất lượng giáo dục và nâng tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 80%”.

 

Tăng 194 trường đạt chuẩn so với lúc chia tách tỉnh

Tính đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 202/337 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 60%, tăng hơn 25 lần so với năm 2004. Trong đó: mầm non, mẫu giáo là 56 trường đạt hơn 65,8%, tiểu học là 89 trường đạt hơn 52%, THCS là 47 trường đạt 75,8% và THPT là 10 trường đạt hơn 43%.

 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>