Bình đẳng đầu ra giữa hệ phổ thông và thường xuyên

08/06/2022 | 07:12 GMT+7

Mặc dù chất lượng đầu vào không bằng học sinh THPT, nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, kết thúc năm học 2021-2022 chất lượng dạy và học ở hệ GDTX đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Học viên lớp 12 ở các trung đang được tổ chức ôn tập để tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Không còn nơi “nhặt” học sinh được các trường phổ thông loại ra

Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Năm học 2021-2022, hơn 1 học kỳ học sinh phải học trực tuyến nên chất lượng dạy và học ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay khi được mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp, chúng tôi đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ vậy, kết quả cuối học kỳ II khả quan hơn rất nhiều. Cụ thể, trong tổng số học viên đang học chương trình THPT tại trung tâm, có 2 học viên xếp loại giỏi, 90 em xếp loại khá, 117 học viên loại trung bình và 1 em xếp loại yếu”. Để đạt được kết quả như trên, trung tâm đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá. 

Dù học cùng chương trình giáo dục như học sinh ở các trường THPT, nhưng học viên theo học ở hệ GDTX chỉ học 7 môn bắt buộc: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Chỉ tập trung vào các môn học chính, số lượng môn không nhiều, vì vậy thời lượng học sẽ không chiếm nhiều thời gian. Tận dụng lợi thế đó, trong kế hoạch giảng dạy, các trung tâm ngoài bám sát chương trình, đều chủ động bổ sung các bài tập tăng cường để học viên nắm vững kiến thức.

Ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Chất lượng đầu vào không cao, để chất lượng đầu ra bằng với học sinh ở các trường THPT, đòi hỏi chúng tôi phải linh động từ khâu tuyển sinh đến giảng dạy. So với các trường THPT, ở hệ GDTX có số môn học ít hơn, nên học viên có nhiều thời gian để ôn lại kiến thức cơ bản. Kết thúc năm học này, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở trung tâm chiếm hơn 30%”. Năm học 2021-2022, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp có 126 học viên theo học ở 5 lớp, đến cuối học kỳ II có 3 học sinh xếp loại giỏi, 30 học viên xếp loại khá, 60 học viên có xếp loại trung bình và 8 học viên yếu, kém.

Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở hệ GDTX không cao như tại các trường THPT. Tuy nhiên, từ kết quả cuối mỗi năm học ở các trung tâm, đều có học viên được xếp loại giỏi trong những năm gần đây, đã chứng tỏ công tác dạy học ở hệ GDTX đã dần có nhiều khởi sắc. Qua đây, giúp các trung tâm khẳng định được chất lượng với người học và phụ huynh, không còn xem hệ GDTX chỉ là nơi “nhặt” học sinh được các trường phổ thông loại ra.

Đầu ra đã bình đẳng

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng, thành một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đây, đầu ra của học viên trung tâm GDTX được coi là chính thức bình đẳng với học sinh phổ thông. Xác định tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT chung với học sinh ở trường phổ thông, học viên lớp 12 ở trung tâm sẽ không có nhiều lợi thế bằng, vì vậy thầy cô ở các trung tâm luôn rất chủ động ôn tập, đảm bảo kiến thức cho học viên.

 Ông Nguyễn Hoàng Liêm, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, bộc bạch: “Trung tâm có 18 học viên lớp 12 đã được ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Học viên của trung tâm tất cả đều đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội, đối với tổ hợp này hệ GDTX không bắt buộc thi môn giáo dục công dân. Chỉ còn phải thi 2 môn trong tổ hợp là lịch sử và địa lý, chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên tăng cường ôn tập, giải đề và cho các em thi thử, đánh giá chất lượng sau mỗi bài thi để có kế hoạch ôn tập cho phù hợp”.

Hàng năm, số lượng học viên lớp 12 tại các trung tâm đa phần đều đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp khoa học xã hội. Theo số lượng đăng ký, các trung tâm sẽ tổ chức ôn tập cho học viên sau khi hoàn thành chương trình lớp 12. Riêng những em có nguyện vọng đăng ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên, nếu số lượng ít sẽ được trung tâm gửi sang các trường THPT trên địa bàn ôn tập. Với các bước chủ động trong công tác đảm bảo kiến thức cho học viên lớp 12, những năm gần đây, tỷ lệ học viên các trung tâm đậu tốt nghiệp dao động từ hơn 80-100%, nhiều em còn đậu vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.

Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, cho biết: “Khi đầu ra của học viên ở hệ GDTX và học sinh trường phổ thông không còn phân biệt thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT chung, các trung tâm đều phải chủ động để đảm bảo chất lượng học viên. Ngoài ôn lại kiến thức, chúng tôi còn yêu cầu giáo viên tăng cường cho các em làm bài tập vận dụng, giải các bộ đề… Bên cạnh chuẩn bị chu đáo cho học sinh lớp 12, trung tâm chủ động kết nối với trường THPT trên địa bàn, để nắm số lượng thí sinh thi tuyển lớp 12, chỉ tiêu trường lấy bao nhiêu, thời gian có kết quả thi… để sẵn sàng tuyển sinh học viên lớp 10 cho năm học 2022-2023”.

Dẫu còn nhiều khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, nâng cao chất lượng… nhưng những năm gần đây chất lượng hệ GDTX trên địa bàn tỉnh từng bước đã được nâng lên rõ nét, đây là tiền đề để tạo đầu ra bình đẳng sau mỗi năm học, kỳ thi.

Toàn tỉnh có 8 trung tâm GDNN-GDTX có chức năng giảng dạy chương trình giáo dục THPT ở hệ GDTX. Trong đó, có 7 trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thị xã, thành phố và 1 Trung tâm GDTX tỉnh.

Từ năm 2015, bằng tốt nghiệp THPT ở hệ GDTX và phổ thông đều giống nhau, không còn xếp hạng hay loại hình tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>