Bổ ích với hoạt động múa hát sân trường

20/12/2018 | 07:45 GMT+7

Những năm gần đây, một số trường học từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động múa hát sân trường cho học sinh vào giờ ra chơi. Hoạt động này đã giúp học sinh hứng khởi hơn khi đến lớp.

Học sinh Trường THPT Vị Thanh tự tin thể hiện điệu múa theo hình chữ S.

Rất phấn khởi khi mỗi ngày đều được múa hát tập thể cùng các bạn dưới sân trường rộng, mát, em Trần Nguyễn Minh Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Him Lam, thành phố Vị Thanh chia sẻ: “Múa hát sân trường vào giờ ra chơi ở trường em rất hấp dẫn. Ngoài những bài nhạc của thiếu nhi, chúng em còn được múa dân vũ, múa gáo dừa của dân tộc Khmer nữa... Mỗi tuần, nhà trường sẽ cho chúng em múa theo những bài nhạc khác nhau nên chúng em thấy thích thú”.

Đưa mắt nhìn từng nhóm học sinh nhanh chóng xếp thành hàng ngay ngắn, thấy các em tự tin hòa mình vào các động tác múa hát, thể dục một cách say sưa, từng động tác tay đưa lên, đưa xuống thật nhịp nhàng kết hợp với động tác chân nhún nhảy đẹp mắt làm người xem thật ấn tượng. Cô Nguyễn Thị Thu Vân, giáo viên Tổng phụ trách đội của trường, cho biết: “Sau 3 tiết học trên lớp đầu giờ, thay vì ra chơi vận động với những bài tập thể dục lặp đi lặp lại, thì hơn chục năm nay, Trường Tiểu học Him Lam đã duy trì và đổi mới hoạt động múa hát sân trường để tạo sự hấp dẫn, thu hút học sinh. Để tạo sự sinh động, chúng tôi đã kết hợp đưa vào những bài hát múa sân trường sôi động với một bài tập thể dục. Có khi cho học sinh nhảy trên nền nhạc tiếng Anh, khi cho các em múa dân vũ, khi cho các em múa bằng tua rua, khi múa bằng hoa giấy, bằng gáo dừa... Tôi thấy nhờ sinh hoạt, múa hát tập thể mà những em còn nhút nhát, thiếu tự tin đã mạnh dạn hơn, tự tin hòa điệu múa cùng các bạn”. Theo đó, các bài hát trường thường chọn múa như: “Trái đất này là của chúng mình”, “Bài ca đi học”, “Bắt kim thang”, “Em bay trong pháo hoa”, múa dân vũ “Rửa tay” “Anh Ba Hưng”…

Hoạt động múa hát sân trường thời gian qua đã tạo sự năng động, thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao hoạt động tập thể cho học sinh. Em Nguyễn Thị Mỹ Tiên, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Giờ ra chơi được múa hát tập thể là lúc chúng em được vận động, nhảy múa, giải tỏa mọi mệt mỏi, căng thẳng sau những giờ học trên lớp. Em thấy mình nhanh nhẹn, hòa đồng, dễ giao tiếp với bạn hơn trước”.

Ngoài ra, hoạt động múa hát sân trường còn góp phần tích cực giúp học sinh ôn luyện, củng cố những kiến thức, kỹ năng âm nhạc đã được học ở các giờ chính khóa. Đây còn là hoạt động để các trường học duy trì phong trào văn hóa văn nghệ, nền nếp của học sinh, xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi… Ông Trần Văn Chum, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ, cho biết: “Trong quá trình đổi mới về giáo dục hiện nay thì hoạt động múa hát sân trường đã góp phần tích cực hơn trong việc rèn luyện năng lực, phẩm chất học sinh. Và sau giờ học căng thẳng, học sinh được múa hát vui chơi đó là điều kiện tốt nhất cho các em được thư giãn, lấy lại sự cân bằng về tâm lý để tiếp thu tốt hơn trong các giờ học tiếp theo. Từ đó, nhà trường cũng quan tâm và phát hiện những em có năng khiếu âm nhạc để bồi dưỡng, nâng chất lượng phong trào văn nghệ trong nhà trường”.

Theo đó, tùy vào mỗi trường sẽ lựa chọn bài hát phù hợp với lứa tuổi học sinh và theo chủ đề, chủ điểm của từng tháng để tạo sự hấp dẫn, mới lạ, thu hút học sinh. Việc đưa múa hát sân trường thành một hoạt động chính trong giờ ra chơi được đánh giá là một trong những phương pháp đổi mới giáo dục hiệu quả, khiến học sinh hứng thú hơn khi đến trường. Nhiều trường học đã và đang khéo léo kết hợp giữa chơi và học cho học sinh, giúp các em học sinh có những giờ ra chơi thật sự có ý nghĩa, góp phần giảm áp lực trong việc tiếp thu kiến thức đối với học sinh, qua đó nâng cao được chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>