Bồi đắp tình yêu, trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo

22/11/2019 | 07:11 GMT+7

Mô hình “Lược đồ Việt Nam” trên sân trường Trường Tiểu học Thuận An (thị xã Long Mỹ), đã tạo được điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Học sinh múa hát dưới mô hình “Lược đồ Việt Nam” trên sân trường.

Bản đồ hình đất nước nơi sân trường

Đến thăm Trường Tiểu học Thuận An, đúng lúc diễn ra buổi đồng diễn “Múa hát sân trường” dành tặng cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Từng động tác múa hát rất sôi động, rất nhịp nhàng. Ấn tượng nhất là hình ảnh những cái nghiêng người theo nhạc rất uyển chuyển của các em, làm hiện ra hình ảnh bản đồ hình chữ S thu nhỏ, cùng các biểu tượng các quần đảo, đảo lớn của đất nước, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa, ngay trên sân trường.

Em Phan Lâm Kim Thơ, học sinh lớp 5A2, chia sẻ: “Chúng em rất thích được vui chơi, múa hát trên sân trường. Đứng trên từng vị trí của “Lược đồ Việt Nam” thu nhỏ hình chữ S của trường để múa hát, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhắc nhở chúng em phải nỗ lực học tập, phấn đấu học tập tốt hơn để trở thành một người có ích cho xã hội”.

Mô hình “Lược đồ Việt Nam” trên sân trường của Trường Tiểu học Thuận An được bắt đầu thực hiện vào năm học 2017-2018. Từ những hiệu quả mang lại, từ năm học 2018-2019 đến nay, nhà trường đã phát huy thêm các tính ưu việt như tận dụng mô hình chữ S trên sân trường tổ chức cho học sinh đồng diễn múa hát sân trường, tập thể dục giữa giờ, ngồi sinh hoạt vào các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, các tiết học thực tế tìm hiểu về đất nước Việt Nam, biển, đảo quê hương từ biểu đồ thu nhỏ này.

Nhà trường đã tận dụng diện tích sân rộng, thoáng để thiết kế mô hình. Phần đất liền được thiết kế bằng những viên gạch màu đỏ ghép lại thành “Lược đồ Việt Nam” hình chữ S, kéo dài theo chiều Bắc - Nam và vị trí hẹp nhất ở miền Trung theo chiều Tây - Đông. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thiết kế phù hợp, đúng vị trí trên lược đồ, bằng cách ghép những viên gạch màu đỏ.

Không gian lý tưởng trải nghiệm thực tế

Mô hình mới lạ, hấp dẫn, là không gian lý tưởng để học sinh trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, biên giới, biển, đảo Việt Nam. Ông Phạm Đình Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi muốn thông qua việc lồng ghép nội dung tuyên truyền vào trong các tiết học chính khóa môn địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, các cuộc thi tìm hiểu biển, đảo…  để giúp học sinh nâng cao hiểu biết, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đã hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Để học sinh hào hứng, tiếp thu bài nhanh và hiệu quả, bên cạnh kiến thức tích hợp từ sách giáo khoa, giáo viên đã chủ động tìm kiếm, đưa ra những dẫn chứng thiết thực, cụ thể… Cô Võ Thị Diễm Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, bộc bạch: “Trong mỗi giờ lên lớp, bên cạnh kiến thức từ sách vở, tôi thường sử dụng bản đồ, tranh, ảnh tư liệu về đề tài biển, đảo... giáo viên còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh địa phương giúp học sinh nhận thức đúng về biển, đảo, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển… ngay tại “Lược đồ Việt Nam” trên sân trường”.

Để đổi mới hình thức tuyên truyền, nhà trường tổ chức thi Rung chuông vàng, lồng ghép vẽ tranh về tình yêu biển đảo, xem phim tư liệu... thu hút cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường, tham gia nhiệt tình.

Ông Võ Thiện Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ, cho biết: “Mô hình “Lược đồ Việt Nam” trên sân trường của Trường Tiểu học Thuận An, được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận, khen thưởng là Mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2018-2019. Chúng tôi đang chỉ đạo nhân rộng hiệu quả của mô hình trong các trường học trên địa bàn. Tùy theo điều kiện thực tế của các trường mà vận dụng phương pháp tuyên truyền hợp lý, để mỗi học sinh nâng cao nhận thức về biển, đảo quê hương, hun đúc tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>