Chỉ khuyến khích nơi nào có điều kiện mới dạy 2 buổi/ngày

25/08/2017 | 09:15 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang sau đợt kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2017-2018, ông Thái Văn Út (ảnh), Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Cơ sở vật chất các trường ở vùng sâu, nhất là các điểm lẻ (xây cấp 4, tiền chế) sử dụng rất lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng địa phương và nhà trường không có khả năng nâng cấp, sửa chữa”.

Sau đợt kiểm tra, có phải cơ sở vật chất đang là khó khăn lớn nhất của các trường, thưa ông ?

- Đến thời điểm này, các đơn vị, trường học đều có bước chuẩn bị cho khai giảng năm học mới khá chu đáo. Tuy nhiên, thời gian qua do việc đầu tư xây dựng trường lớp thiếu nghiên cứu đến quy mô phát triển giáo dục, chưa dự đoán sự phát triển của xã hội, nên việc xây dựng không đồng bộ, chưa phù hợp, dẫn đến hiện nay nhiều điểm trường ở trung tâm huyện, thị, thành phố quy mô học sinh phát triển nhanh nên thiếu phòng học, số lượng học sinh trên lớp vượt mức quy định, cộng với nhu cầu học 2 buổi/ngày của phụ huynh học sinh tăng cao dẫn đến quá tải. Trong khi đó nhiều điểm trường ở các địa phương được đầu tư xây dựng chọn gói nhưng số lượng học sinh giảm, nên tỷ lệ học sinh trên lớp ít không đảm bảo đủ so quy định. Cá biệt có những điểm trường nhiều năm không được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng học…

Liên quan đến việc tổ chức học 2 buổi/ngày, làm sao để đảm bảo được điều này, thưa ông ?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ khuyến khích những địa phương có điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực dạy 2 buổi/ngày. Phụ huynh học sinh luôn có nhu cầu cho con em mình được học thêm để nâng cao kiến thức và các kỹ năng sống, nhưng hiện nay các trường ở trung tâm huyện, thị, thành phố cơ sở vật chất lại không đáp ứng được. Để giải quyết bài toán này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp, rà soát chọn những điểm trường bức xúc, quy mô phát triển mạnh để đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Trước mắt phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện có chỉ đạo cụ thể những điểm trường dạy 2 buổi/ngày đảm bảo khai giảng năm học mới.

Vào đầu năm học mới, lại nghe đến tình trạng sắp xếp, bố trí, phân công, phân việc nhân viên, giáo viên chưa hợp lý, ông có chia sẻ gì về điều này ?

- Nguyên nhân là do đặc thù của ngành, quy mô học sinh, quy mô lớp thay đổi hàng năm theo chiều hướng tăng, nên việc bố trí, sắp xếp giáo viên luôn bị động. Bên cạnh đó, do đội ngũ giáo viên luôn có nhiều biến động dẫn đến thiếu thừa cục bộ (nghỉ hưu, hộ sản, thuyên chuyển…). Theo tôi, do quy định của ngành còn chồng chéo, chưa cụ thể, thiếu thực tế như quy định giờ chuẩn của ban giám hiệu, của giáo viên làm công tác kiêm nhiệm, nhưng không quy định cụ thể là dạy cái gì, do vậy mỗi nơi thực hiện một kiểu…

Nhiều trường xuống cấp nhưng hiện không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, hướng giải quyết sẽ thế nào, thưa ông ?

- Cơ sở vật chất các trường ở vùng sâu, nhất là các điểm lẻ được xây dựng cấp 4 và tiền chế sử dụng rất lâu, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng địa phương và nhà trường không có khả năng nâng cấp, sửa chữa. Đối với các điểm trường này sẽ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê, rà soát, phân loại đưa vào kế hoạch xây dựng, nâng cấp cho từng điểm trường cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch các điểm trường theo quy mô phát triển và điều kiện hạ tầng từng địa phương. Trước mắt, đối với các điểm này ban giám hiệu cần chủ động tham mưu với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, song song đó cũng nên tranh thủ vận động các mạnh thường quân, xã hội hóa, kịp thời giúp nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới đúng kế hoạch.

Xin cảm ơn ông !

CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>