“Chiếc nôi” nuôi dưỡng nhân tài

20/11/2018 | 08:08 GMT+7

Huyện Châu Thành A là đơn vị luôn đứng nhất tỉnh trong bảng xếp hạng Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng (cuộc thi) cấp tỉnh hàng năm. Nơi đây, như một “chiếc nôi” nuôi dưỡng nhân tài, đã kịp thời phát hiện và đào tạo cho tỉnh nhiều hạt nhân sáng giá cho các nghiên cứu khoa học.

Sáng chế “Bếp gas mini an toàn” của em Châu Thế Khanh đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi cấp quốc gia năm nay.

Bề dày thành tích

Hàng năm, huyện Châu Thành A đều có sản phẩm của thí sinh đoạt giải cuộc thi các cấp và có số lượng giải nhiều nhất so với các đơn vị khác. Tính từ năm 2014 đến nay, huyện đoạt được 34 giải thưởng và cấp quốc gia là 4 giải thưởng. Đặc biệt, trong năm nay tỉnh có 3 giải thưởng cấp quốc gia thì cả 3 đều là học sinh của huyện. Đó là giải pháp “Bố trí thí nghiệm trực quan vật lý THPT” của tác giả Nguyễn Hoàng Khoa, học sinh Trường THPT Trường Long Tây, đoạt giải ba; giải pháp “Hệ thống thu hút sâu rầy tự động dùng năng lượng mặt trời có tích hợp cảm biến nồng độ mặn” của nhóm tác giả Trần Minh Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, thị trấn Rạch Gòi, đoạt giải khuyến khích; giải pháp “Bếp gas mini an toàn” của em Châu Thế Khanh, Trường THCS Võ Thị Sáu.

Ông Nguyễn Phước Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, nhớ lại: Những năm đầu cuộc thi mới ra đời, huyện cũng khá bỡ ngỡ vì chưa biết cách thức tổ chức, cũng như đề nghị nguồn kinh phí từ đâu. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, lãnh đạo UBND huyện mà chúng tôi đã vượt khó, hàng năm đều đem về thứ hạng cao cho huyện qua cuộc thi. Tuy nhiên, mặt bằng chung là các em học sinh trên địa bàn đa số ở vùng sâu, thiếu thốn mọi bề nên cũng phần nào khó khăn trong học tập, nghiên cứu. Nhưng bằng tất cả quyết tâm, qua các cuộc sinh hoạt, phát động cuộc thi, ngành giáo dục huyện luôn động viên, khuyến khích các em phát triển ý tưởng. Trong đó, các ý tưởng sản phẩm nên dựa vào những gì gần gũi, thiết thực trong học tập và cuộc sống. Có như vậy, sản phẩm mới đem lại tính hữu dụng cao và có thể giúp ích cho mọi người.

Cũng từ thông điệp này mà em Trần Thị Lan Anh, hiện học lớp 10A2, Trường THPT Trường Long Tây, đã tìm ra được thuốc diệt ốc bươu vàng bằng hạt bình bát. Xuất phát từ sự bức thiết của gia đình, Lan Anh đã tìm tòi và thành công với ý tưởng diệt ốc bươu vàng mà nguyên liệu sử dụng lại rất rẻ tiền và dễ tìm. Lan Anh chia sẻ: “Qua các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần trước, em thấy có những sản phẩm đoạt giải được hình thành từ những bức xúc của cuộc sống. Từ đó, khi thấy cha mẹ làm ruộng hay bị ốc cắn phá nên mong muốn tiêu diệt ốc mà lại ít ô nhiễm môi trường. Vì vậy, qua tìm hiểu nên em đã tìm được cách diệt ốc bằng cách lợi dụng độc chất từ hạt bình bát. Không ngờ, giải pháp của em cũng được Ban giám khảo cuộc thi các cấp ghi nhận và chấm giải cao”.

Ươm mầm tương lai

Ông Nguyễn Phước Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi nhận thấy các em là nguồn nhân lực tiềm năng, là tương lai của đất nước nên trong chỉ đạo hết sức quan tâm, quán triệt thầy cô kèm cặp, hỗ trợ cũng như khơi nguồn để các em học tập, sáng tạo. Bên cạnh đó, hàng năm ngành cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo cũng như hỗ trợ kinh phí để tổ chức, khen thưởng cho cuộc thi của lãnh đạo UBND huyện. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tổ chức cuộc thi ngày một chất lượng, thành công hơn. Đối với học sinh, đây là niềm động viên, khích lệ để các em ngày càng cố gắng sáng tạo, nghiên cứu nhiều sản phẩm có ích cho học tập, cuộc sống”.

Cụ thể, kinh phí hàng năm mà UBND huyện Châu Thành A dành cho tổ chức cuộc thi tăng từ 45 triệu đồng lên hơn 70 triệu đồng trong năm 2017. Riêng năm nay, số tiền đã vượt lên gần 80 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này mà khâu chuẩn bị của ban tổ chức thực hiện chủ động hơn. Ngoài ra, các sản phẩm của học sinh cũng được phòng giáo dục, nhà trường hỗ trợ thêm kinh phí để các em cải tiến, hoàn thiện hơn so với sản phẩm thô sơ của ý tưởng ban đầu. Em Huỳnh Hoàng Khánh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, tác giải của giải pháp “Đập ngăn mặn thông minh”, bày tỏ: “Khi sản phẩm của em đoạt giải cấp huyện thì đã được nhà trường hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sản phẩm gửi dự thi cấp tỉnh. Ngoài giải thưởng cấp huyện, em còn nhận được nhiều phần thưởng từ nhà trường và UBND huyện nên niềm vui nhân lên gấp bội”.

Bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo của các em thì sự quan tâm luôn sát cánh của đội ngũ thầy cô hướng dẫn rất quan trọng. Các thầy cô đã tiếp sức để các em tiếp tục cố gắng hoàn thiện sản phẩm, cũng như hoàn thành tốt bài thi. Em Châu Thế Khanh, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Bảy Ngàn, tác giả của sản phẩm “Bếp gas mini an toàn”, cho biết: “Dù ý tưởng của em được hình thành nhưng ban đầu em cũng không biết lắp các mạch điện như thế nào cho hợp lý, cũng nhờ có thầy Nguyễn Minh Tường hướng dẫn em lập trình trên máy tính trước. Những lúc em nản chí muốn bỏ cuộc thầy lại động viên, tiếp tục công việc. Ngoài ra, thầy còn giúp em tìm mua các nguyên liệu cần thiết tận thành phố Cần Thơ mà em không thể tự đi được. Nhờ vậy, mà em mới có thể hoàn thiện sản phẩm và đoạt giải cao như bây giờ”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>