Chủ động ôn tập có chất lượng

11/12/2018 | 07:16 GMT+7

Để đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng kiến thức cho các em học sinh sẵn sàng cho thi kiểm tra chất lượng học kỳ I sắp đến, các trường học trên địa bàn tỉnh đang chủ động ôn tập có chất lượng.

Các trường học đang nỗ lực vừa dạy và ôn tập cho học sinh.

Vừa học, vừa ôn tập

Không khí ôn tập cho thi kiểm tra chất lượng học kỳ I tại các trường học trên địa bàn hiện nay đang rất khẩn trương. Em Lê Thị Cẩm Duyên, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Em đang tranh thủ buổi trưa ở lại trường để học nhóm cùng các bạn. Em không học thuộc lòng mà học theo chủ đề. Điểm nào quan trọng em ghi ra giấy nháp làm một sơ đồ tư duy để dễ nhớ bài, ôn tập khoa học để không bị nhầm lẫn kiến thức nhất là môn toán và lịch sử”. Cô Quách Thị Bình, giáo viên dạy môn hóa học Trường THCS Hoàng Diệu, chia sẻ: “Vừa dạy chúng tôi vừa hệ thống lại bài cho học sinh. Ôn tập đảm bảo 4 kỹ năng: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Bên cạnh đó, quan tâm các em có năng lực học tập yếu, nhất là hướng dẫn cách thức ôn tập cho học sinh khối lớp 6. Vì kỳ thi năm nay sẽ khá lạ lẫm với các em so với cấp tiểu học”.

Em Ngô Hoàng Duy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Khoảng tuần sau là chúng em thi rồi. Hiện tại, em vừa học vừa ôn tập. Em không xem nặng hay nhẹ môn nào để có kết quả trong đợt kiểm tra sắp đến. Kỳ thi là tiền đề để em bắt nhịp ôn tập thi THPT quốc gia”. Để giúp học sinh ôn tập có chất lượng, Trường THPT Lê Quý Đôn đã tập trung chỉ đạo các tổ bộ môn vừa dạy vừa ôn tập, lên kế hoạch từng phần để giáo viên triển khai ôn tập hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Tới, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường đã yêu cầu giáo viên tùy theo năng lực học tập của từng lớp vận dụng linh hoạt công tác ôn tập. Khi ôn tập tạo không khí thoải mái để các em tiếp thu bài được tốt hơn. Quan tâm đến rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho học sinh lớp 12”.  

Bám sát chuẩn kiến thức

Ông Trần Văn Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bình 1, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nhờ tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày nên công tác ôn tập cho học sinh của trường không vất vả lắm. Hiện tại, nhà trường đã cho học sinh ôn tập, giáo viên sẽ chủ động biên soạn, ra đề bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để học sinh vận dụng thi có chất lượng. Tôi thấy ý thức học tập của các em khá tốt. Kỳ kiểm tra chất lượng này sẽ giúp nhà trường phân loại học sinh và có hướng đổi mới giảng dạy hiệu quả hơn”.

Theo đó, để đảm bảo kỳ kiểm tra phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh và chất lượng giảng dạy của giáo viên Sở Giáo dục và Đào tạo đã sớm có văn bản chỉ đạo các trường THPT, các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc ở tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi và nhận xét, đánh giá học sinh, trên cơ sở công bằng, đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Quan trọng nhất giai đoạn này là các trường ôn tập cho học sinh phải bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, đúng đối tượng, không ôn tập tràn lan, không áp lực. Trong quá trình ra đề, chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra”.

Dồn hết sức cho kỳ kiểm tra chất lượng này, bà Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Do thiếu cơ sở vật chất nên học sinh của trường chỉ học được 1 buổi/ngày. Thời gian ôn tập không nhiều nên giáo viên trường phải cố gắng dạy đến đâu phải chắc đến đó. Theo đó, giáo viên trong quá trình giảng dạy sẽ vừa dạy vừa ôn tập, kết hợp với kiểm tra giữa kỳ… để khi đến kỳ thi các em không bị nặng nề kiến thức. Chúng tôi sẽ ôn tập cho học sinh đến hết ngày 20-12. Sang ngày 21-12, học sinh có đủ lượng kiến thức cho kiểm tra”.

Kết quả kiểm tra học kỳ I sẽ là cơ sở để đánh giá, xếp loại học sinh sau 1 học kỳ. Đây là nền tảng để nhà trường chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo năng lực người học. Đây cũng là cơ sở để các trường xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng học sinh, có giải pháp nâng tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Em Lưu Kiến Toàn, học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, thổ lộ: “Ở trên lớp học đến đâu em nắm chắc đến đó nên công tác chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I này em thấy không áp lực lắm. Thầy cô rất quan tâm, tạo tâm lý ôn tập thoải mái nhờ đó mà chúng em quyết tâm thi tốt để có kết quả cao”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>