Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho giáo viên

15/09/2017 | 08:43 GMT+7

Đây là một trong những giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giải pháp này đã và đang được ngành giáo dục và đào tạo tích cực thực hiện !

Học sinh tự tin thuyết trình trong giờ học ngữ văn của cô Trần Xuân Ý.

Chú trọng mở các lớp bồi dưỡng

Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục của tỉnh nhà có sự chuyển biến tích cực, không ngừng hoàn thiện, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Để có những kết quả đó, hàng năm ngành giáo dục và đào tạo đều tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên trong dịp hè và cả trong năm học, nhằm kịp thời củng cố, cập nhật các kỹ năng, kiến thức dạy học mới. Thầy Nguyễn Thanh Lâm, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Một Ngàn A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được nâng cao trình độ giảng dạy, đồng thời có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực hiện đổi mới giáo dục tại các trường… Tôi thấy các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên là rất cần thiết”. Nhờ được bổ sung và trang bị thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ thực tế, lớp học của thầy Lâm đã có sự gợi mở, định hướng tạo động lực cho học sinh yêu thích với từng môn học. Từ thầy đã có nhiều phong trào hữu ích được triển khai thực hiện tại trường như phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Gọi bạn, xưng tôi”…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Việc lựa chọn nội dung, chuyên đề bồi dưỡng gắn với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phù hợp với đặc thù của từng môn học, cấp học đã đem lại hiệu quả thiết thực khi giáo viên thực hiện nhiệm vụ dạy học cho năm học mới. Bên cạnh đó, chú trọng mở các lớp bồi dưỡng về chính trị cho giáo viên trong các trường trên địa bàn vào dịp nghỉ hè cũng đã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo một cách mạnh mẽ”.

Mỗi năm được tham gia lớp chính trị hè, cô Trần Thị Mộng Nghi, giáo viên Trường THPT Chiên Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Bồi dưỡng chính trị hè là dịp cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân chúng tôi được nâng cao lập trường tư tưởng, trình độ chính trị, trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước… để vận dụng linh hoạt vào từng bài giảng phù hợp với tình hình thực tế, trang bị cho học sinh bản lĩnh chính trị ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Chủ động đổi mới

Từ chủ động đổi mới, nhiều giáo viên tỉnh nhà đã có những phương pháp dạy học tích cực, phát huy tốt năng lực của học sinh. Việc chia lớp học ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm cử 2 học sinh lên thuyết trình theo từng chủ đề nhất định, mỗi em đều được bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình sau bài giảng là cách dạy học được cô Trần Xuân Ý, giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh đã thực hiện. Cô Ý chia sẻ: “Tôi tranh thủ tìm thêm các tư liệu hình ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào từng bài giảng thích hợp để thu hút các em. Mặt khác, cho học sinh tự tìm hiểu, giáo viên chỉ là người hướng dẫn sẽ tác động trực tiếp đến ý thức học tập. Các em được thuyết trình, được thoải mái bàn luận một vấn đề với bạn dưới sự hỗ trợ của thầy cô tôi thấy các em học hăng say hơn”.

Còn thầy Nguyễn Đức Cảnh, giáo viên dạy môn địa lý của Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, là một trong những giáo viên giỏi, có nhiều sáng kiến hay, từng giành giải nhất danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn địa lý, thì bộc bạch: “Muốn khơi gợi niềm đam mê cho các em thì giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp. Phải có sự kết hợp giữa kiến thức trong sách giáo khoa với thực tế bên ngoài mới tạo được hứng thú cho học sinh”.

Từng giáo viên chủ động, tìm tòi đổi mới, đã góp phần thay đổi diện mạo, chất lượng giáo dục. Năm 2004, khi tỉnh mới được thành lập, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thiếu vừa yếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng còn là những vấn đề trăn trở. Toàn ngành giáo dục lúc đó có hơn 8.630 cán bộ, giáo viên công nhân viên. Trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chỉ chiếm hơn 79%, giáo viên trên chuẩn chỉ có 15,24%... Vì vậy, nhiệm vụ then chốt của ngành đó chính là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên. Từ sự chủ động nỗ lực, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng lên vượt trội. Theo thống kê hiện nay, số lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành hơn 10.450 người. Trong đó, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cấp học đạt chuẩn là 100%, có 69 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú... Còn trong năm 2017, 23 nhà giáo đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Từ năm 2011 đến nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà có hơn 1.000 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia…

Nâng cao chất lượng, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ thầy, cô giáo được xem là khâu trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đây cũng là một trong những giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có tổng số trên 10.450 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cấp học đạt chuẩn là 100%. Trong đó, tỷ lệ cán bộ quản lý vượt chuẩn ở cấp học mầm non, mẫu giáo là 99,53%, cấp tiểu học vượt chuẩn 100%, cấp THCS trên chuẩn là 97,81%, cấp THPT là 34,29%. Tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn ở các cấp học cũng tăng đáng kể: Cấp học mầm non, mẫu giáo giáo viên vượt chuẩn là 86,8%, cấp tiểu học 86,85%, cấp THCS là 80,84%, THPT là 10,8%.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>